Làm sao tăng năng suất lao động?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lấy những nước trong khối ASEAN để so sánh thì năng suất lao động năm 2018 của nước ta chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 45% của Indonesia... Dĩ nhiên, Singapore hay Malaysia là 2 nước phát triển và tiệm cận phát triển, việc chúng ta còn thua xa so với họ cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng so với Thái Lan mà năng suất lao động của ta chỉ bằng 37% thì phải thấy, đó là sự chênh lệch quá lớn.
Ảnh internet
Ảnh internet
Mặt khác, cơ cấu lao động nông nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ quá cao, lên đến 37%. Trong khi nước Nhật hay Anh thì tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ 2% hay 3%. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta cứ ùn ùn phát triển công nghiệp hay dịch vụ để giảm nhanh tỷ lệ lao động nông nghiệp, vì điều đó là không thực tế và khiến nền kinh tế đột ngột mất cân bằng.
Ai cũng biết, năng suất lao động thấp là do sử dụng lực lượng lao động chân tay quá nhiều, công nghệ lạc hậu, trình độ người lao động chưa được nâng cao. Cách đây mấy chục năm, nhà thơ Việt Phương có câu thơ: “Những công trường ít cuốc nhiều cờ” nói về sự “lạc hậu hồn nhiên” của nước ta thời bao cấp. Bây giờ cũng đừng lấy mốc thời gian từ năm 1986 để đo sự phát triển, vì nếu nhìn như thế thì chúng ta phát triển nhanh quá. Hãy nhìn vào ngay ngày hôm nay và so với các nước trong khu vực thôi, để thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn năng suất lao động đạt tới mức 2/3 của các nước tốp đầu ASEAN.
Có thể lấy Malaysia để làm mục tiêu phấn đấu, vì nếu tính khoảng thời gian từ 1986 trở về trước thì nước này cũng còn khá lạc hậu. Nhưng họ đã vọt lên trong vòng 20 năm nay. Khi một quốc gia có sự đột phá trong phát triển kinh tế như vậy, chúng ta hãy nhìn mấu chốt của sự phát triển đó là ở đâu?
Malaysia cũng công nghiệp hóa, nhưng họ bắt đầu ngay từ công nghệ khá tiên tiến của thế giới, trong khi Việt Nam công nghiệp hóa bắt đầu từ công nghệ... Trung Quốc. Một khi công nghệ của nước ta chỉ ở mức 1.0 hay 2.0 thì làm sao chúng ta nói tới cách mạng 4.0, vì như thế là không thực tế. Dù có dùng robot hay trí tuệ nhân tạo thì vẫn là con người làm chủ công nghệ, con người là chủ thể. Chúng ta chưa có lực lượng lao động tương xứng thì không thể có một nền công nghệ tương xứng, dù đó là công nghệ do nhập khẩu chứ không phải ta sáng tạo ra.
Bây giờ, nói “đã hết thời lao động giá rẻ” thì nghe có vẻ đầy hứng khởi, nhưng lại không thực tế. Trong thực tế thì nền kinh tế Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ rất cao lao động giá rẻ, từ nông thôn tới các khu công nghiệp. Những con em nông dân từ quê ra làm công nhân, kỹ năng lao động không cao, trình độ kỹ thuật cao không có thì làm sao lương của họ cao được? Họ chấp nhận, dù có thời hạn, làm trong những nhà máy mang tính gia công, làm mãi cũng chẳng thể nâng tầm kỹ năng hay kỹ thuật. Còn những người nông dân lao động nông nghiệp theo truyền thống thì kiếm sống hàng ngày đã rất chật vật, làm sao tiếp cận được sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?
Phải nhìn nhận từ những thực tế như thế để có hướng phát triển kinh tế. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu, nhưng cơ sở nào đào tạo và đào tạo xong liệu có việc làm tương xứng với những gì đã học?
Năng suất lao động chỉ thực sự tăng khi xã hội phát triển thành một xã hội mà công nghệ là chủ đạo, không chỉ là công nghệ xài điện thoại thông minh hay không dùng tiền mặt, mà là công nghệ đi vào lao động hàng ngày, với những người lao động bình thường. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI cũng chỉ đưa tới Việt Nam công nghệ gia công lắp ráp là chính, không có công nghiệp phụ trợ thì làm sao người lao động Việt Nam nâng cao được trình độ để có thu nhập cao hơn?
Một khi còn lao động giá rẻ thì chưa thể nói tới cạnh tranh năng suất lao động, dù là với nhóm nước ASEAN phát triển bên cạnh chúng ta. 
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm