Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Làm thế nào vượt qua nỗi cô đơn khi khởi nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không nhận được sự ủng hộ của bạn bè, người thân, thường bị cho là 'điên' hoặc không giống ai... khi khởi nghiệp, nhiều người trẻ phải đối diện với những nỗi cô đơn.

 Người trẻ tham gia các hội thảo kết nối khởi nghiệp để giải quyết những cô đơn trong quá trình khởi nghiệp
Người trẻ tham gia các hội thảo kết nối khởi nghiệp để giải quyết những cô đơn trong quá trình khởi nghiệp



Điều khó tránh khỏi

Mai Thanh Thái, quản lý công nghệ tại dự án khởi nghiệp WorldLine Technology, từng thừa nhận rằng khởi nghiệp là phải chấp nhận cô đơn, đó cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người trẻ khởi nghiệp ở VN.

 

"Làm khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận cô đơn trong suốt cuộc hành trình, nhưng quan trọng là bạn cần vượt qua nếu muốn thành công"-Cao Trung Hiếu, người sáng lập và điều hành Dân Trí Soft


Thái kể, cuối năm 2015, bỏ sau lưng kế hoạch du học, Thái cùng các cộng sự lên Lâm Đồng sống và lăn lộn với người dân để thực hiện dự án khởi nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Thời điểm đó phải đấu tranh với gia đình khá nhiều, vì ở TP.HCM, Thái có nhiều cơ hội rất tốt để phát triển bản thân và chăm sóc gia đình. Hơn nữa, ai cũng can ngăn vì ngành trà thời điểm ấy đang đi xuống và nhiều người không trụ nổi.

“Rồi cứ thế mình khởi nghiệp cho đến hôm nay. Người ta bỏ thì mình càng phải cố gắng lao vào làm, và làm mới bằng ứng dụng công nghệ. Nhóm tiến hành thử nghiệm trên hệ thống nhà kính 1 ha và biến Cầu Đất Farm thành nông trại đầu tiên tại VN ứng dụng IoT (internet vạn vật) trong nông nghiệp. Chính những lúc đấy, khó khăn trăm bề, gia đình không ủng hộ, nhiều người can ngăn nên đó là nỗi cô đơn lớn nhất trong cả sứ mệnh khởi nghiệp”, Thái tâm sự.

Còn anh Trần Đại (chủ dự án Vườn của mẹ) chia sẻ: “Năm 2015, khi nghỉ việc ở công ty là mình bắt đầu hành trình cùng nỗi cô đơn. Lúc đó chỉ có một mình và chỉ biết là sẽ quyết tâm khởi nghiệp mà chưa biết chọn ngành gì và sản phẩm gì để khởi nghiệp thành công”.

Đại đã phải trải qua 3 dự án khởi nghiệp thì cuối cùng dự án Vườn của mẹ mới thành công. Vì chứng kiến mẹ từng nhiều lần nguy kịch và không muốn bệnh tật hành hạ tuổi già của mẹ, nên Đại đã quyết tâm khởi nghiệp với các sản phẩm từ cỏ lúa mì để tăng cường sức khỏe con người.

Nhiều nỗi cô đơn khác nhau

Trong chương trình Wetalk với chủ đề Khởi nghiệp nhưng đừng sạt nghiệp, nhà đầu tư cá mập Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse) đã chia sẻ: “Những ngày đầu tiên khởi nghiệp, công ty chỉ có một mình. Cô em gái vừa ra trường, về làm với mình được mấy ngày, chán quá cũng nghỉ. Đến em mình cũng nghỉ thì làm sao người ngoài làm được với mình. Đấy là cái khó khăn nhất khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Trong một môi trường rất buồn, một mình đi làm, không có ai xung quanh, thấy cô đơn vô cùng. Mà đây là tình trạng chung của hầu hết những người trẻ khởi nghiệp”.

Còn anh Cao Trung Hiếu, người sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, thì kể: “Lần đầu tiên tôi khởi nghiệp, bạn bè và gia đình hết lời can ngăn, bởi công việc đang làm có mức thu nhập và cơ hội thăng tiến khá cao nhưng lại chọn một thứ mơ hồ là làm khởi nghiệp. Tôi gần như tránh chia sẻ công việc khởi nghiệp với những người gần gũi nhất, tôi âm thầm và lặng lẽ tập trung làm việc, bởi tôi biết chính “sự yêu thương nhưng không đúng cách” từ người thân, bạn bè sẽ làm mình nhụt chí. Nhưng rồi thất bại liên tiếp 4 lần. Khi thất bại, bạn sẽ càng cảm thấy nỗi cô đơn lớn hơn, khi ấy nhiều người sẽ không còn tin bạn nữa, thậm chí là khinh khi bạn”, anh Hiếu kể.

Hãy xem cô đơn là trải nghiệm

Từ câu chuyện của mình, anh Hiếu khuyên: “Làm khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận cô đơn trong suốt cuộc hành trình, nhưng quan trọng là bạn cần vượt qua nếu muốn thành công”.

Theo anh Hiếu, những lúc thấy cô đơn hãy tự đặt câu hỏi như mục đích sống của tôi là gì, ý nghĩa của công việc khởi nghiệp này là gì, tại sao khởi nghiệp ở lĩnh vực này… Khi hiểu được chính mình, bạn sẽ là người tự động viên, tự tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho bản thân trước mỗi khó khăn. Hãy tìm kiếm những người cùng hệ giá trị để cùng làm đồng sáng lập, để trở thành nhân sự của công ty.

“Tôi luôn suy nghĩ cách cho đi ngày càng nhiều hơn, tạo giá trị đến cộng đồng ngày càng lớn hơn. Khi bạn cho đi thật lòng, bạn sẽ nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống, đó là liều thuốc hiệu quả để chữa chứng cô đơn. Và hãy xem cô đơn là trải nghiệm trên suốt hành trình đi đến thành công”, anh Hiếu nhấn mạnh.

Còn anh Đại thì rút ra từ những kinh nghiệm bản thân: “Nên đi giao lưu chia sẻ với những người trong giới khởi nghiệp. Trong những buổi giao lưu ấy, hãy đưa ra những câu hỏi để nhận về các câu trả lời và sự trợ giúp. Trong các câu trả lời và trợ giúp sẽ có cái giúp các bạn vượt qua được khó khăn hiện tại. Và trước khi khởi nghiệp hãy tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm khởi nghiệp để học hỏi và tránh gặp phải những nỗi cô đơn không đáng có”.

Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm