Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Lâm Tiến Hổ-từ kỹ sư đến ông chủ nhà máy cán tôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có trong tay tấm bằng đại học chuyên ngành Điện của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau 3 năm làm nghề, cuối cùng chàng trai sinh năm 1987 Lâm Tiến Hổ quyết định rẽ trái khởi nghiệp bằng nghề… lạc xoong và mở nhà máy cán tôn.

khi tốt nghiệp THPT với đam mê về ngành Điện, Lâm Tiến Hổ quyết định thi vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Điện. Cầm trên tay tấm giấy báo kết quả đậu đại học, Hổ và gia đình vui mừng khôn tả vì ở vùng quê xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) đa số thanh niên đồng lứa thường theo nghiệp nhà nông. Sau 4 năm đèn sách, cuối cùng tấm bằng cử nhân Điện cũng đã nằm trong tay chàng trai trẻ Lâm Tiến Hổ. Cầm tấm bằng kỹ sư nhưng đi xin làm việc chỗ nào anh đều nhận được cái lắc đầu, như gáo nước lạnh dội vào những ước mơ tuổi trẻ.

 

Lâm Tiến Hổ tại nhà máy do anh làm chủ. Ảnh: H.Đ.T
Lâm Tiến Hổ tại nhà máy do anh làm chủ. Ảnh: H.Đ.T

Hổ buồn bã và quyết định về lại quê nhà tìm cơ hội khởi nghiệp. Tại Ia Hlốp, anh nhận làm các công trình điện trong vùng, đồng thời làm thêm cà phê, hồ tiêu để phụ giúp gia đình. Sau 3 năm làm thuê, Hổ suy nghĩ tại sao mình không làm gì riêng cho mình? Với sự hậu thuẫn của gia đình, anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc buôn bán hàng lạc xoong. Có “duyên” buôn bán nên cửa hàng anh rất đông khách do sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý. Sau thời gian kinh doanh hàng lạc xoong, nhận thấy nhu cầu xây dựng trên địa bàn tương đối nhiều, anh quyết định đầu tư nhà máy cán tôn Bảy Hòa trên địa bàn xã với tổng vốn gần 2 tỷ đồng và kinh doanh thêm sắt thép xây dựng.
 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của LÂM TIẾN HỔ:

- Rẽ trái, nếu cần.
- Luôn đặt uy tín, chất lượng và giá thành sản phẩm lên hàng đầu.
- Không ngại khó khổ.

Lúc đầu khởi nghiệp với ngành nghề mới, Lâm Tiến Hổ cho biết anh gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn đầu tư mở xưởng, thị thường tiêu thụ sản phẩm… Do đó, anh phải lặn lội đi gặp các gia đình đang xây dựng nhà và các nhà thầu để giới thiệu sản phẩm với phương châm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn để mở rộng sản xuất. Để gây dựng uy tín với khách hàng, anh đầu tư cho ra các sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý, nhờ vậy mà khách hàng ngày càng nhiều, nhà máy cán tôn của anh không chỉ cung cấp hàng trên địa bàn xã mà còn mở rộng ra các xã khác trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Hiện nay doanh thu từ cửa hàng lạc xoong, nhà máy cán tôn Bảy Hòa gần 50 triệu đồng/ngày. Không chỉ vậy, hiện nay anh đã đầu tư trên 500 triệu đồng trồng 2.000 trụ tiêu.

Bên cạnh chăm lo việc kinh doanh của mình, hiện Lâm Tiến Hổ còn là một cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên năng nổ và nhiệt tình của xã, hầu hết các hoạt động của Hội anh đều tham gia nhiệt tình, nhất là hoạt động xã hội. Anh tâm sự: Những người buôn bán và làm kinh tế tự phát hiện nay gần như chưa có ý thức trách nhiệm xã hội, phần lớn mang trong mình tư tưởng thu về. Trong khi đó, theo anh, cùng việc kiếm tiền nhờ xã hội thì doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội không chỉ bằng việc nộp thuế, mà còn bằng các hoạt động thiện nguyện. Có như vậy, doanh nghiệp đó mới nhận được sự ủng hộ từ xã hội và có thể phát triển bền vững. Trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh như hiện nay, việc tìm được chỗ đứng vững chắc không phải điều đơn giản. Chính vì thế, Hổ luôn đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể; dù vất vả, khó khăn nhưng tình yêu và sự đam mê với công việc đã giúp anh vượt qua tất cả để đi đến thành công.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm