Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Làm việc với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM nói: "Thành phố đang đối mặt với rất nhiều thách thức"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết kiến nghị của thành phố. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nêu rõ những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt.

Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP.HCM ngày 13/5.
Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP.HCM ngày 13/5.
Siết chặt kỷ cương trong phòng chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự. Thủ tướng yêu cầu, cuộc họp có rất nhiều nội dung, đòi hỏi chất lượng cao, thời gian lại có hạn, do đó, các đại biểu phải tập trung trí tuệ để cùng bàn bạc, tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thủ tướng cũng lưu ý, Thành phố phải tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống Covid-19.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, công tác chống dịch Covid-19 được triển khai tốt. Liên quan các chuỗi lây nhiễm từ ngày 27/4 tới nay, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam.
TP.HCM: Tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 từ 0h ngày 15/5, dừng xe khách đến các tỉnh có dịch
Thời gian tới, Thành phố xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là "cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm cho sự phát triển dài hạn", giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, kết hợp hài hòa phòng ngự và tấn công, tấn công là chính. Đến nay, Thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 59.000 người.
Tiếp tục thực hiện tầm soát dịch bệnh chủ động, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đối với các đối tượng nguy cơ, nhất là hành khách tại sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe liên tỉnh; học sinh, sinh viên tại ký túc xá; nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn.
Kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả 3 đường: Đối với đường hàng không: Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng chống dịch bệnh trên máy bay và tại sân bay. Đối với đường bộ: Thiết lập lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố. Đối với đường thủy: Ban hành quy trình phối hợp từng cơ quan, đơn vị trong phòng, chống dịch tại các bến cảng.
Nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước thành phố nếu người cách ly tại nhà nhưng ra khỏi nhà.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ dân phố, Tổ Covid-19 cộng đồng đối với các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo y tế, tăng cường phát hiện nhập cảnh trái phép, truy vết ca nhiễm và phát hiện các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú.
Thành phố sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm. Chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó cho tình huống dịch bệnh lan rộng, nâng năng lực cách ly tập trung lên 10.000 người. Xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm công suất lấy 50.000 mẫu/ngày, bảo đảm công suất xét nghiệm 15.000 mẫu/ngày và khi cần có thể huy động công suất xét nghiệm lên 50.000 mẫu/ngày.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo tình hình với Thủ tướng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo tình hình với Thủ tướng.
Đóng góp ngân sách lớn nhất nhưng tỷ lệ tổng chi thấp nhất cả nước
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang đối mặt với rất nhiều thách thức, sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn đang ngày càng gia tăng. Thành phố chỉ xây mới và cải tạo được 2.757km/6.000 km hệ thống cống thoát nước (đạt 45,9% quy hoạch); nạo vét được 129 km/4.369 km kênh rạch (đạt 2,9%); Thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng (bình quân 0,5 cm - 1cm/năm) và hiện tượng sụt lún (bình quân 1cm/năm). Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, các công trình văn hóa dù được Thành phố quan tâm nghiên cứu, xây dựng Đề án, thiết kế, tuy nhiên không đủ nguồn lực để hiện thực hóa.
TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách Thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%) trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách Thành phố. Việc cân đối chi đầu tư luôn là bài toán khó đối với Thành phố, bởi công trình, dự án trọng điểm rất nhiều trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp.
Thành phố có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.
Thành phố là địa phương có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,7 lần so với bình quân cả nước), song tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước (khoảng 1,3 trẻ/phụ nữ so với bình quân cả nước là 2,1 trẻ/phụ nữ). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong tương lai.
Thành phố là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung đông dân cư cho nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự an toàn xã hội với nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm liên quan đến ma túy rất phức tạp, là nguồn cơn của nhiều loại tội phạm khác.
Kinh tế thành phố có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ luôn là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19. Việc phòng, chống dịch luôn đòi hỏi phải tập trung cao độ từng ngày, từng giờ, từng phút, nếu sơ suất, chủ quan, lơ là, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Theo Bạch Dương (Dân Việt)
https://danviet.vn/lam-viec-voi-thu-tuong-chinh-phu-chu-tich-ubnd-tphcm-noi-thanh-pho-dang-doi-mat-voi-rat-nhieu-thach-thuc-20210513093602109.htm

Có thể bạn quan tâm