Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Lần đầu tiên đào tạo thạc sĩ về phòng, chống tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sáng ngày 2/8, Khoa Luật-Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đây là chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên về lĩnh vực quan trọng này.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HG
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HG
PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, được Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh thực hiện liên tục, bằng nhiều biện pháp, trong đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng để đạt được mục tiêu kiềm chế, tiến tới đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.
Theo các chuyên gia, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực quản trị Nhà nước và PCTN, chương trình thạc sĩ có ý nghĩa thiết thực cả trước mắt và lâu dài, sẽ góp phần nâng cao năng lực PCTN ở Việt Nam.
“Cuộc đấu tranh PCTN, chống “giặc nội xâm” này không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể hoàn thành được mà đòi hỏi quá trình đấu tranh đó phải lâu dài, bền bỉ nên rất cần sự đào tạo mang tính chất lâu dài của chuyên ngành luật về PCTN”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Chung quan điểm, theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, nội dung chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và PCTN rất có ý nghĩa, hoàn toàn phù hợp với chiến lược PCTN và chương trình đào tạo giáo dục về PCTN mà Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện gần 10 năm nay.
Tuy vậy, Phó Tổng Thanh tra đề nghị, nên mở rộng đầu vào cho những người muốn tham dự chương trình đào tạo này. “Nghiên cứu và đào tạo về PCTN về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền quản trị công. Cái đó không phải chỉ là đặc quyền của các luật gia mà nhiều người của các ngành khác cũng muốn tham dự”, ông giải thích.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng mong đợi có những chương trình học bổng cho những người học tốt và những người có chương trình nghiên cứu tốt. “Rất mong Cộng hòa Ai-len, Vương quốc Anh… có sự quan tâm hỗ trợ cho Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh phát biểu.
Khẳng định “chúng tôi sẵn sàng chia sẻ bài học thành công, cũng như những lỗi mà chúng tôi gặp phải trong chống tham nhũng”, ông Steph Lysaght, Đại biện Lâm thời Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam bày tỏ, bản thân nước Anh cũng có những vấn đề liên quan đến tham nhũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Tham nhũng làm méo mó quá trình ra quyết định, ảnh hưởng đến thương mại, phân bổ các nguồn vốn của xã hội… Trên phạm vi toàn thế giới, có thể nghe thấy đủ các thể loại tham nhũng với quy mô, cấp độ khác nhau. Những người tham nhũng thường giàu có vì có thể chiếm đoạt tài sản khổng lồ. Cho nên, điều vô cùng quan trọng là phải xử lý và kiểm soát được tham nhũng.
“Cộng đồng ngoại giao đến Việt Nam muốn chia sẻ những nỗ lực để chống tham nhũng trong phạm vi toàn cầu. Chúng ta không thể chấm dứt tham nhũng nhưng có thể sửa chữa những lỗi lầm, sai trái của tham nhũng”, Đại biện Lâm thời Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam nhấn mạnh, “PCTN là một quá trình lâu dài”.
Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên tổ chức giảng dạy, nghiên cứu về PCTN một cách chính thức, có hệ thống. Với bề dày truyền thống, các đại biểu nhận định, Khoa Luật sẽ thực hiện tốt chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và PCTN.
H.Giang (Thanh tra)

Có thể bạn quan tâm