Văn hóa

Lần đầu tiên tổng kiểm kê cồng chiêng Jrai, Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Sáng 5-2-2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức buổi nghiệm thu đề tài khoa học “Điều tra, phân loại cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, do ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở làm chủ nhiệm đề tài. Sau 4 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì đây được xem là cuộc tổng kiểm kê đầu tiên về cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, với nguồn vốn 200 triệu đồng từ chương trình mục tiêu văn hóa năm 2008 (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Theo báo cáo đề tài, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 5.655 bộ cồng chiêng (Jrai 3.373 bộ, Bahnar 2.282 bộ), trong đó có 932 bộ chiêng quý (tăng 417 bộ so với số liệu thống kê năm 2005 là 5.238 bộ). Địa phương còn lưu giữ cồng chiêng nhiều nhất là huyện Ia Grai (1.116 bộ), ít nhất là thị xã An Khê (22 bộ) và cũng không ít làng trắng về cồng chiêng (huyện Đak Đoa với 42 làng). Đề tài cung cấp thêm nhiều thông tin về tên gọi các bộ chiêng, nguồn gốc các bộ cồng chiêng. Ngoài các bộ chiêng Lào, Campuchia, Yuăn (Việt) đã được nhắc đến thì có thêm loại chiêng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga. Bên cạnh việc điều tra, phân loại, đề tài còn đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của cồng chiêng.
Đề tài đã được xếp loại xuất sắc. Tuy nhiên vẫn còn một số chi tiết cần được thẩm định, đặc biệt là thông tin về một số cồng chiêng có đường kính từ 1 mét đến trên 2 mét.
N.G

Có thể bạn quan tâm