Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Làn sóng di dân nối gót khách Nga tới Nha Trang lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làn sóng du khách Nga tới Nha Trang kéo theo các luồng di cư khác, như Việt kiều về nước, hay người dân các nước nói tiếng Nga đến thành phố biển để làm ăn, lập nghiệp.
Đó là quan sát từ một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành kinh tế của Nga, RUDN Journal of Economics, quyển 27, kỳ 1 (năm 2019), của tác giả Kenichi Ohashi, giáo sư ngành Du lịch ở Đại học Rikkyo, ở Tokyo, Nhật Bản.
Lượng du khách Nga đến Việt Nam năm 2016 đạt 273.809 lượt, tăng 9 lần so với chỉ 6 năm trước đó, tác giả bài viết dẫn thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa.
Như vậy, 60% trong tổng số 433.987 du khách Nga đến Việt Nam năm 2016 là đến tỉnh Khánh Hòa. Ở chiều ngược lại, 1/10 trong tổng số 4,5 triệu du khách (cả trong lẫn ngoài nước) đến Khánh Hòa là du khách Nga.
 
Sự gia tăng của khách Nga đến Nha Trang trong khoảng thời gian 10 năm. Đồ họa: Trọng Thuấn.
Sự gia tăng mạnh mẽ của lượng du khách Nga ở Nha Trang kéo theo các cửa hàng, dịch vụ dành cho họ mọc lên ngay trung tâm thành phố Nha Trang.
“Khu phố Nga” là từ chung chỉ một số con phố như Trần Phú chạy dọc biển, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật. Nơi đây tập hợp các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê, công ty du lịch, hàng lưu niệm và các dịch vụ khác phục vụ khách Nga, biển hiệu viết bằng tiếng Nga. Nhiều nơi có nhân viên nói tiếng Nga, theo bài viết của ông Okashi.
E ngại bất ổn ở Trung Đông
Theo nghiên cứu vừa công bố, nguyên nhân chính cho làn sóng người Nga đến Việt Nam là việc các công ty lữ hành Nga chuyển hướng sang các thị trường mới do tình hình quốc tế.
Chẳng hạn, “những năm 2010-2012, một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ và nổi dậy nổ ra ở Bắc Phi và Trung Đông, khiến họ khó đưa khách Nga đến các điểm du lịch được ưa chuộng như Tunisia và Ai Cập”, giáo sư Okashi viết trong nghiên cứu.
"Mỗi lần ra Nha Trang du lịch mà cứ ngỡ như đang ở phố Tàu, phố Nga. Rất buồn", anh Nguyễn Mạnh Hùng, du khách ở TP.HCM nói với Zing.vn năm 2018. Ảnh: An Bình.
"Mỗi lần ra Nha Trang du lịch mà cứ ngỡ như đang ở phố Tàu, phố Nga. Rất buồn", anh Nguyễn Mạnh Hùng, du khách ở TP.HCM nói với Zing.vn năm 2018. Ảnh: An Bình.
Thêm nữa, sự giảm giá của đồng rúp Nga, nền kinh tế trì trệ, việc giới hạn đi lại đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập vào năm 2015 đã giúp tăng lượng khách Nga đến Nha Trang. Trong khi đó, những bãi biển đẹp, điều quan trọng bậc nhất đối với người Nga, lại chính là thế mạnh của du lịch Nha Trang.
Ông Okashi cũng trích dẫn một số nguyên nhân lịch sử. Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga khởi nguồn từ thời Liên Xô, và đến nay vẫn là một mối quan hệ gắn bó quan trọng, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Việt Nam miễn visa với người Nga nếu thăm ngắn hạn trong vòng 15 ngày kể từ năm 2009, thời điểm mà lượng khách tăng rõ rệt.
Ngoài ra, người Nga đã biết đến cảng Cam Ranh gần Nha Trang vì cảng này được Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô và sau này là Nga thuê lại từ 1979-2002. Đây từng là căn cứ hải quân lớn nhất bên ngoài Nga, và nhiều binh lính hải quân của Nga đóng ở đây.
Làn sóng du khách Nga tới Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới về du lịch, di dân, trong thời đại mà việc đi lại trở nên dễ dàng, đỡ tốn kém hơn trên khắp thế giới.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc, số lượt du khách toàn cầu đạt 1,3 tỷ năm 2017, và được dự báo sẽ tăng lên 1,8 tỷ vào năm 2030, mức tăng 40% đến cuối thập kỷ tới.
Các luồng di cư “nối gót” làn sóng du khách Nga
Theo bài viết của ông Okashi, một số cửa tiệm, nhà hàng, quán cà phê và công ty tour trong khu phố Nga có chủ là người Nga hoặc những người Nga từ các nước Liên Xô cũ. Sự phát triển du lịch Nga tới Việt Nam là cơ hội kinh doanh cho cả người dân địa phương lẫn người Nga.
 
 
Sự phát triển du lịch Nga tới Việt Nam là cơ hội kinh doanh cho cả người dân địa phương lẫn người Nga. Ảnh: An Bình.
Những người phục vụ các cửa tiệm, nhà hàng Nga cũng có lý lịch đa dạng.
“Một số người dân địa phương cố học tiếng Nga để kinh doanh dựa vào du khách Nga, nhưng một số khác đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Belarus, Armenia, Georgia, Kyrgystan và Tajikistan. Họ đều có khả năng nói tiếng Nga”, giáo sư Ohashi viết.
Ngoài ra, những người Việt từng đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô trở về là một nhóm khác đang hưởng lại từ làn sóng du khách Nga. Trong thập niên 1980, hơn 100.000 lao động Việt Nam được cử sang Liên Xô vì Liên Xô thiếu hụt lao động, trong khi Việt Nam lại thừa lao động và chịu thâm hụt thương mại với Liên Xô.
Tác giả bài nghiên cứu gặp được một phụ nữ từng là chủ ba tiệm hàng ở vùng tây Siberia về Nha Trang để quản lý quán ăn của anh em trong nhà. Bà là người gốc Hải Phòng, biết tiếng Nga và dùng những kinh nghiệm bôn ba ở Nga để quản lý nhà hàng.
Sự phát triển của khu phố Nga ở Nha Trang cũng đặt ra vấn đề phân biệt đối xử, từ chối phục vụ khách người Việt sinh sống ngay trong địa phương. Đã có các ý kiến về vấn đề các biển quảng cáo vi phạm quy định khi chỉ ghi bằng tiếng Nga, không có tiếng Việt. Một số cửa tiệm, công ty du lịch thẳng thắn từ chối phục vụ khách Việt Nam, theo một số ghi nhận của Zing.vn vào năm 2018 trên phố Nguyễn Thiện Thuật.
Điều này đặt ra câu hỏi về sự chung sống hòa hợp của cộng đồng người Nga, cộng đồng kinh doanh phục vụ họ và một số người dân địa phương.
 
Một văn phòng du lịch không bán tour cho người Việt, chỉ bán cho người Nga. Ảnh: Ngân Giang.
Cộng đồng những người Nga ở Nha Trang cũng đa dạng về thời gian lưu trú hay mục đích tới Việt Nam. Có người ở ngắn trong thời hạn miễn visa. Có người đến Nha Trang nhiều lần, hoặc ở nguyên mùa đông và coi đây là khu nghỉ dưỡng tránh cái giá rét ở Nga, để rồi trở về nước vào mùa hè.
“Ngoài ra, trong số những người nói tiếng Nga đến Nha Trang làm việc, một số người chỉ coi đây là một điểm đến trong sự nghiệp, để rồi ‘nhảy cóc’ tới những khu đông du khách Nga khác trên khắp thế giới”, ông Okashi viết thêm.
Vì vậy làn sóng Nga tới Việt Nam nên được nhìn nhận bằng cái nhìn đa chiều, vượt ra ngoài khuôn khổ các khái niệm truyền thống như “du lịch” hay “di dân”, vốn đang có “sự giao thoa”.
“Rất khó để chúng ta tách biệt du lịch và di dân trong thực tế”, ông Okashi viết.
Trọng Thuấn (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm