Lan tỏa gương sáng "Tốt đời-đẹp đạo" trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động từ thiện xã hội, đồng bào Công giáo và Tin lành trong tỉnh Gia Lai đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tỉnh nhà phát triển.
Tại địa bàn huyện Đak Đoa, nhiều năm qua, mục sư Uyên đã phát huy vai trò Ủy viên Ban đại diện Tin lành tỉnh, quản nhiệm chi hội Tin lành Kông Brech ở xã A Dơk. Ông luôn tự học hỏi, tìm hiểu nhằm nâng cao trình độ hiểu biết để hướng dẫn bà con tín hữu trong quá trình hoạt động mục vụ. Chi hội nơi ông quản nhiệm hiện có hơn 5.000 tín hữu. Ngoài giờ sinh hoạt đạo, ông thường dành thời gian tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tín hữu, cùng tập thể Ban Chấp sự chi hội tận tình hướng dẫn bà con thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
 Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Thị Giang thăm chi hội Tin lành Plei Bui (huyện Chư Pah) nhân dịp giáng sinh. Ảnh: T.N
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Thị Giang thăm chi hội Tin lành Plei Bui (huyện Chư Pah) nhân dịp giáng sinh. Ảnh: T.N
Mục sư Uyên trăn trở: “Hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế”. Do vậy, cùng với việc vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông thường xuyên nhắc nhở bà con tín hữu dân tộc thiểu số phải giữ đất sản xuất, định canh định cư, học hỏi làm ăn để nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện đời sống.
Ở làng Dôr 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa) có ông Uếp nhiều năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận. Ông đã tích cực vận động nhân dân đóng góp quỹ để xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, góp ngày công lao động kiên cố hóa kênh mương từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ. Ông Uếp còn vận động nhân dân xây dựng tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, cùng bà con góp ý xây dựng hương ước và quy ước; đồng thời quan tâm nhắc nhở bà con đề cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, yên tâm lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương mình, chấp hành quy định pháp luật về tôn giáo cũng như Hiến chương của Hội thánh. Theo ông Đinh Ơng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa: “Với những đóng góp đáng kể cho địa phương, ông Uếp là cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện và tỉnh, được hiệp thương cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục 2 nhiệm kỳ 2014-2019 và 2019-2024”.
Tại xã Uar (huyện Krông Pa) có ông Tạ Đức Quảng-nhóm trưởng giáo họ Phú Hòa là người đi đầu vận động giáo dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng điều ghép, mì cao sản, giống lúa mới cho năng suất cao. Giáo xứ Ngô Sơn (huyện Chư Pah) có ông Thái Hùng Mạnh là Trưởng ban Chức việc. Sáng chủ nhật hàng tuần, ông đều dành thời gian vận động bà con giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Mạnh cho hay: “Bà con trong giáo xứ luôn đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Giáo dân đã đóng góp nhiều ngày công sửa chữa đường đi và hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, ủng hộ gần 300 triệu đồng xây dựng 4 căn nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo, ủng hộ trên 200 triệu đồng giúp hộ nghèo và học sinh vượt khó trên địa bàn”.
Tại cơ sở từ thiện Nhà trẻ mồ côi Sao Mai. Ảnh: T.N
Tại cơ sở từ thiện Nhà trẻ mồ côi Sao Mai. Ảnh: T.N
Còn tại Tu viện Phao Lô Thiên Ân (xã Chư Á, TP. Pleiku) có nữ tu Nguyễn Thị Kim Chi đã đứng ra thành lập cơ sở từ thiện mang tên “Mái ấm Thiên Ân”, đến nay đã hoạt động được gần 15 năm. Giáo xứ Đức An (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có nhà trẻ mồ côi Sao Mai, cũng do các nữ tu dòng Phao Lô thành lập từ năm 1994. 2 cơ sở từ thiện này có hàng trăm trẻ mồ côi, cơ nhỡ đã được các nữ tu tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo. Dù vô cùng vất vả nhưng với tinh thần dấn thân phục vụ, các sơ và bảo mẫu luôn dành cho các cháu tình thương yêu nhằm bù đắp phần nào sự thiệt thòi, giúp các cháu vượt qua bất hạnh.
Bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-nhận xét: “Thực hiện phương châm sống tốt đời-đẹp đạo và các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào Công giáo và Tin lành nói chung cũng như các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào có đạo nói riêng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh, hưởng ứng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động”.
 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm