Lan tỏa phong trào khuyến học ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Là huyện còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền ở Ia Pa, Gia Lai rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài nhằm xây dựng gia đình, dòng họ và cả xã hội học tập, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Ia Pa thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng đã có chủ trương, biện pháp chỉ đạo sâu sát đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đồng thời thường xuyên động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được đẩy mạnh; 9/9 xã của huyện Ia Pa đều đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 Bà Rmah H'Đoan khoe giấy khen và thành tích học tập của con cháu. Ảnh: P.N
Bà Rmah H'Đoan khoe giấy khen và thành tích học tập của con cháu. Ảnh: P.N

Hiện nay, toàn huyện Ia Pa có 1.676/11.967 hộ được công nhận là gia đình học tập; 27/256 dòng họ học tập; 12/51 thôn, làng được công nhận là cộng đồng học tập; 6/32 đơn vị học tập.

Bà Rmah H'Đoan (làng Pa Malim, xã Chư Mố) cho biết: Dòng họ bà có 6 gia đình với tổng cộng 51 người, trong đó có 9 con cháu đang trong độ tuổi đi học. Cả họ có gần 30 người tốt nghiệp THPT trở lên, cụ thể: 1 người có trình độ thạc sĩ, 14 người tốt nghiệp đại học, 5 người tốt nghiệp cao đẳng, 7 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn và hầu như thu nhập chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng các gia đình đều cố gắng cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Để có tiền trang trải cho con cháu ăn học, bà đã vận động gia đình các chị em khác trong dòng họ tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng/tháng để xây dựng quỹ khuyến học của dòng họ. Các con cháu sau khi ra trường có việc làm ổn định đều tìm cách giúp đỡ các em lớp sau tiếp tục học hành. Mỗi khi các gia đình có con cháu tốt nghiệp THPT hay đậu vào các trường đại học, cao đẳng thì cả dòng họ sẽ tổ chức cúng mừng, báo cáo thành tích với tổ tiên. “Dòng họ đã góp tiền cho con cháu đi học cách đây hơn 20 năm. Nhiều dòng họ khác trong làng cũng đã học theo cách này để khuyến khích con cháu chăm chỉ học hành”-bà Rmah H'Đoan tự hào nói.
Tương tự, dòng họ ông Nay Nam-già làng kiêm Bí thư chi bộ thôn Biah A (xã Ia Tul) cũng là gương sáng về truyền thống hiếu học của huyện Ia Pa. Ông Nam chia sẻ, mỗi khi con cháu đậu đại học, cao đẳng, dòng họ sẽ góp tiền lại để động viên. Khi con cháu cần tiền đóng học phí, trang trải học tập, các gia đình trong dòng họ sẵn sàng bán gia súc, nông sản để hỗ trợ. Nhờ làm tốt công tác khuyến học mà đến nay, dòng họ nhà ông có nhiều con cháu đỗ đạt thành tài, làm việc trong các cơ quan nhà nước như: Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, giáo viên...
Đánh giá về kết quả khuyến học của các dòng họ dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông Ksor Thất-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ia Pa-chia sẻ: Thời gian gần đây, người dân trong huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập, xây dựng gia đình, dòng họ học tập. Ý thức học tập được nâng lên xuất phát từ nhận thức học để thoát nghèo, nâng cao dân trí, hòa nhập cộng đồng.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Đức-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Pa-cho biết: Thời gian qua, phong trào khuyến học trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. “Thời gian tới, UBND huyện và UBND các xã sẽ đưa nhiệm vụ xây dựng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm; đồng thời chỉ đạo kiện toàn Trung tâm học tập cộng đồng và Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp xã để phong trào khuyến học ngày càng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân”-ông Đức nói.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm