Văn hóa

Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhờ đó, bộ mặt thôn, làng, tổ dân phố từng bước khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Đời sống văn hóa ở cơ sở là một phần phản ánh chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và sự phát triển của cộng đồng. Vì vậy, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; qua đó, giúp cho hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa được tăng cường; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy; khả năng sáng tạo, quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng, đề cao...

Đội cồng chiêng làng Blang 3 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) được thành lập, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Hà Duyên

Đội cồng chiêng làng Blang 3 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) được thành lập, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Hà Duyên

Làng Blang 3 là 1 trong 13 thôn, làng của xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) triển khai hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ông Puih H'Lin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Blang 3-cho hay: Làng có 201 hộ, 849 khẩu với 2 dân tộc anh em sinh sống là Jrai và Kinh. Làng vừa được công nhận là làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Có được thành quả này, bên cạnh phát triển kinh tế, người dân còn tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như duy trì đội cồng chiêng nam-nữ; đội nhạc cụ truyền thống t'rưng, đàn goong. Đặc biệt, đội cồng chiêng, đội nhạc cụ truyền thống của làng thường xuyên được chọn đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của huyện, tỉnh. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết của dân làng được củng cố, duy trì, bà con tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Ông Siu H'Nit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-chia sẻ: Người dân trong xã luôn có tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhất là trong việc cải tạo vườn tạp để trồng rau xanh… Từ một xã nghèo, đến nay Ia Dêr đang từng ngày phát triển với các vườn cà phê, cao su, vườn rau, ruộng lúa xanh tốt, thay thế cho những bãi đất bỏ hoang. Đường làng ngõ xóm được quy hoạch, bê tông hóa sạch sẽ. Đời sống người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đối với TP. Pleiku, thời gian qua, ban công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể thành phố đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố-cho biết: “Nhân dân TP. Pleiku luôn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đến nay, trên 98% hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 83% khu dân cư, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa”.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, thực tế triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào ở một bộ phận người dân chưa đúng, chưa đầy đủ, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Công tác bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ; nhiều thôn, làng văn hóa sau khi được công nhận có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, dẫn đến giảm sút về chất lượng; kinh phí đầu tư cho phát triển và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao còn hạn chế nên hiệu quả tổ chức hoạt động chưa cao...

Nhà văn hóa tổ dân phố là nơi sinh hoạt, gắn kết cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Đinh Yến

Nhà văn hóa tổ dân phố là nơi sinh hoạt, gắn kết cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Đinh Yến

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng: “Cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; đặc biệt là đẩy mạnh rà soát, chấn chỉnh việc bình xét các danh hiệu văn hóa theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “ Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; việc thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin truyền thông, nêu gương các điển hình tiên tiến; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, người lãnh đạo, vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc tự quản, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó là thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp... góp phần tạo nên môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội.

Có thể bạn quan tâm