Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ II do Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức đang trong giai đoạn bán kết. Cuộc thi đã nhận được nhiều ý tưởng mới, độc đáo, đa dạng lĩnh vực và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên ở cơ sở, các em học sinh, sinh viên tham gia.
Nhiều ý tưởng mới, độc đáo
Nếu trong lần đầu tiên tổ chức (2017), cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” chỉ nhận được 13 ý tưởng thì  tại cuộc thi năm nay đã có đến 35 ý tưởng gửi về cho Ban tổ chức. Phần lớn tác giả lấy cảm hứng từ chính thực tiễn, lợi thế, tiềm năng… của địa phương để xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Với sự khách quan, ưu tiên lựa chọn những ý tưởng mới, độc đáo, khác biệt và có tính khả thi trong thực tiễn, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã chọn 15 đề tài vào vòng bán kết.
 Anh Phạm Thăng Bằng, tác giả ý tưởng “Ứng dụng công nghệ cao vào bảo tồn và phát triển lan rừng gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: P.L
Anh Phạm Thăng Bằng, tác giả ý tưởng “Ứng dụng công nghệ cao vào bảo tồn và phát triển lan rừng gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: P.L
Một trong những đề tài được đánh giá cao là “Ứng dụng công nghệ cao vào bảo tồn và phát triển lan rừng gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh” của tác giả Phạm Thăng Bằng-Phó Bí thư Đoàn trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku, Gia Lai). Anh Phạm Thăng Bằng đã triển khai được vườn lan quy mô với hàng triệu cá thể lan có giá trị, đầu tư các loại máy móc công nghệ cao để điều chỉnh lượng phân bón, lượng nước tưới một cách phù hợp, giúp tiết kiệm thời gian. Ngoài vườn lan tại đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku), anh Bằng còn đầu tư vườn ở thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện, Gia Lai) và đang dự định mở rộng quy mô tại thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai). Tham gia cuộc thi ý tưởng ở lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với du lịch, anh Phạm Thăng Bằng chia sẻ: “Gia Lai có khí hậu ôn hòa nên rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của hoa lan. Ở vườn của tôi hiện có rất nhiều cá thể lan quý hiếm mà nơi khác không có. Chính vì thế, tôi có ý định kết nối với các công ty lữ hành để tổ chức tour du lịch, bởi có rất nhiều du khách yêu và thích ngắm loài hoa này”.
Ấp ủ ý tưởng “Chuỗi sản xuất và kinh doanh rau sạch Kbang” khá lâu nên khi biết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần II khởi động, anh Nguyễn Thành Đức-Bí thư chi đoàn tổ dân phố 1 (thị trấn Kbang, Gia Lai) đã quyết định tham gia. Anh Đức chia sẻ, tất cả đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn đóng góp tiền xây dựng mô hình “Vườn rau sạch thanh niên” trong nhà lưới, các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch do thanh niên đảm nhận. Bên cạnh đó, chi đoàn xây dựng một cửa hàng làm nhiệm vụ phân phối sản phẩm làm ra tại chợ thị trấn Kbang. Số tiền thu được sẽ hoàn vốn ban đầu cho thanh niên, đồng thời gây quỹ sinh hoạt chi đoàn. “Thời tiết ở Kbang rất phù hợp để trồng nhiều loại rau quả, nhu cầu của người dân cũng rất lớn. Tuy chỉ mới là ý tưởng nhưng hy vọng khi tham gia cuộc thi, chúng tôi sẽ nhận được sự định hướng, gợi mở của Ban giám khảo và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác”-anh Đức cho biết.
Trong số những ý tưởng được lựa chọn vào vòng bán kết, nhiều ý tưởng có tính khả thi cao, như: dự án “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải hữu cơ” của tác giả Huỳnh Hữu Khang (lớp 10A6, Trường THPT Pleiku), “Trồng hoa cúc ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính” của tác giả Nguyễn Minh Trường (Phó Bí thư chi đoàn Tài chính-Kho bạc-Nông lâm huyện Đức Cơ); “Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ theo tiêu chuẩn VietGAP” của tác giả Thiều Trung Thành (tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, Gia Lai)…
Tạo cơ hội kết nối
Theo Ban tổ chức cuộc thi, Với những ý tưởng vào vòng bán kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ II, các tác giả phải xây dựng đề án một cách chi tiết như: chiến lược phát triển, triển vọng, lợi thế cạnh tranh; phân tích nguy cơ rủi ro, phương án khắc phục; định vị thương hiệu; ý nghĩa tác động xã hội… Sau đó, các tác giả, đại diện nhóm tác giả thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp, trả lời những vấn đề liên quan đến dự án trước Hội đồng giám khảo.
 
Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi : Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ II chính là “bước đệm”, là nơi những ý tưởng tốt được hỗ trợ, được nhiều người biết đến, đặc biệt là các nhà đầu tư. Vì thế, mỗi tác giả tham gia cuộc thi phải có sự chuẩn bị và đầu tư nghiêm túc về ý tưởng. Hy vọng, với những ý tưởng, đề án từ cuộc thi, tỉnh ta sẽ có những công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Những ý tưởng tốt nhất sẽ được chọn để tham gia vòng chung kết dự kiến tổ chức vào tháng 10. Từ những gợi ý, hướng dẫn từ vòng bán kết, các tác giả hoàn thiện các ý tưởng thành một đề án khởi nghiệp cụ thể và nộp về Ban tổ chức. Anh Trần Văn Trong-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, thành viên Ban tổ chức cuộc thi-cho biết: Những ý tưởng đạt giải cao phải có tính mới lạ, độc đáo và có tính khả thi khi triển khai. Nếu ý tưởng có tính thiết thực, các công ty, doanh nghiệp sẽ chủ động tìm đến các tác giả. Bởi vậy, cuộc thi chính là “cầu nối” giữa các đoàn viên, thanh niên đam mê sáng tạo khởi nghiệp.
Được chú ý rất nhiều từ sau cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ I với “mô hình khép kín vừa phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường cùng trùn quế”, anh Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đoàn xã Đak Hlơ (huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: Sau cuộc thi, anh đã được Tỉnh Đoàn kết nối để tham gia chương trình khởi sự doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh; trở thành thành viên của Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp Gia Lai. “Sau khi giành được giải cao nhất của cuộc thi, tôi tự tin phát triển mô hình, mở rộng quy mô. Tôi cũng được các thành viên Ban giám khảo định hướng xây dựng mô hình sao cho phù hợp. Sau cuộc thi, nhiều người biết đến mô hình của tôi, theo đó, sản phẩm trùn quế đã được nhiều người tin dùng”-anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm