Thời sự - Sự kiện

Lặng thầm chống “giặc lửa”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy đối diện với gian khổ, hiểm nguy nhưng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) vẫn can trường xả thân cứu người, cứu tài sản.

Những cống hiến thầm lặng của họ đã giúp nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Không quản hiểm nguy

Khoảng 14 giờ 10 phút ngày 22-9, khói đen bốc lên cao cả chục mét bao trùm chùa Vạn Phật (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), phía bên trong lửa lan nhanh cùng những tiếng nổ lách tách phát ra.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai các phương án dập lửa.

Ngọn lửa bùng phát mỗi lúc một dữ dội, nguy cơ cháy lây sang khu vực khác nếu không được dập tắt sớm, kết cấu thép cùng những bức tường gạch có thể sụp đổ gây nguy hiểm cho những người tham gia chữa cháy.

Vì vậy, một nhóm cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH dùng máy cắt tường để vào phía bên trong chùa vì cửa chính đã khóa; nhóm khác triển khai lực lượng tiếp cận từ mái nhà.

5-8257.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tham gia chữa cháy tại chùa Vạn Phật (TP. Pleiku). Ảnh: V.N

Thượng úy Phạm Ngọc Hòa (Đội Công tác Chữa cháy và CNCH) nhớ lại: Trong lúc khói lửa bốc lên dữ dội thì nghe một chú tiểu báo tin có người mắc kẹt trong đám cháy. Vì vậy, lực lượng chữa cháy phải tìm cách nhanh nhất tiếp cận bên trong để ứng cứu.

Nhận lệnh của chỉ huy đơn vị, Thượng úy Hòa dùng nước tưới ướt quần áo, đeo mặt nạ và dùng chân đạp vỡ cửa kính, trèo lên mái nhà để vào bên trong. Quan sát kỹ bên trong thấy không có người mắc kẹt, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Tiếp đó, đơn vị tiếp tục triển khai phương án khoanh vùng khống chế đám cháy từ nhiều hướng khác nhau. Đến 17 giờ 10 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

“Nhờ sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nên đã giảm bớt thiệt hại cho nhà chùa. Nhiều vật dụng, pho tượng Phật tại chùa đã được bảo đảm nguyên vẹn, các kết cấu của khu vực rộng hơn 2.000 m2 vẫn được giữ vững, chiếc xe ô tô cạnh đám cháy cũng được lực lượng cứu hỏa kịp thời phun nước rồi di chuyển đến nơi an toàn.

Chúng tôi rất mừng vì điều này. Về đơn vị, ai nấy đều mệt nhoài nhưng nhẹ nhõm gọi điện báo cho người thân ở nhà theo dõi livestream qua điện thoại khỏi lo lắng. Bản thân tôi luôn tự hào vì công việc của mình, dẫu thầm lặng nhưng rất thiêng liêng”-Thượng úy Hòa bộc bạch.

2-4305.jpg
Phương tiện, lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh thực tập phương án chữa cháy trụ sở liên cơ quan. Ảnh: V.N

Đến nay, Thiếu tá Trần Tuấn Anh-Phó Đội trưởng Đội Công tác Chữa cháy và CNCH vẫn chưa quên được vẻ mặt thất thần của tài xế bị mắc kẹt tại cabin trong vụ tai nạn ở khu vực trạm thu phí BOT Đức Long Gia Lai-Hàm Rồng (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vào rạng sáng 7-8-2024. Đêm ấy, khi cả thành phố đang chìm trong màn đêm tĩnh mịch, cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phải bật dậy tức tốc di chuyển đến hiện trường.

“Đến nơi, chúng tôi bàng hoàng khi thấy đầu chiếc xe bẹp dúm, biến dạng sau cú va chạm mạnh. Tài xế đau đớn, hoảng loạn khi chân phải bị mắc kẹt trong cabin. Nếu không được giải cứu kịp thời, tài xế có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng đây là vụ việc phức tạp bởi đầu xe kết cấu rất cứng, chúng tôi vừa phải làm mọi cách để phá kết cấu sắt, nới rộng cabin trong sự hồi hộp của mọi người, vừa làm sao không gây thêm chấn thương cho tài xế.

Khoảng 3 giờ 35 phút cùng ngày, tài xế Võ Huy Hoàng (SN 1973, trú tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã được giải cứu thành công”-Thiếu tá Trần Tuấn Anh kể.

3-6317.jpg
Tài xế bị mắc kẹt trong cabin được giải thoát kịp thời sau vụ tai nạn ở trạm thu phí Hàm Rồng. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham gia hàng trăm đợt chữa cháy, CNCH. Các anh luôn xác định tinh thần sẵn sàng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trên địa bàn.

Đã có 1 chiến sĩ của đơn vị dũng cảm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu người bị nạn trong dòng nước chảy xiết trên sông Ba. Niềm động viên lớn nhất đối với các anh chính là niềm vui của gia đình bị nạn được giúp đỡ kịp thời và sự ghi nhận của cộng đồng.

1-8320.jpg
Những người lính chữa cháy tham gia cứu hoả hàng chục vụ mỗi năm. Ảnh: N.T

Sau những ngày điều trị ở Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, ông Võ Huy Hoàng đã qua cơn nguy kịch, hiện sức khỏe đã dần ổn định. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Hoàng bày tỏ sự cảm kích khi được các cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH tích cực giải cứu khi gặp nạn nơi đất khách quê người. Ông cho hay:

“Hôm đó, do mất tập trung nên tôi đã gây ra vụ va chạm mạnh với xe tải đi trước. Khi ấy, tôi hoang mang tột độ và đau đớn vô cùng do trên cơ thể có nhiều vết thương. Có lúc, tôi đã nghĩ đến điều xấu nhất. May mắn là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tìm mọi cách để cứu tôi ra.

Ở bệnh viện, các bác sĩ nói rằng tôi vẫn may vì va chạm mạnh mà được đưa đến kịp thời chứ nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi đến các anh”.

Cho an yên những mái nhà

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, 1 vụ nổ và 14 vụ cần đến cứu nạn cứu hộ khiến 17 người chết, thiệt hại tài sản hơn 2,2 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức 16 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH với hơn 800 người tham gia; tổ chức 13 buổi tuyên truyền trực tiếp với hơn 2.000 người tham gia và kiểm tra 902 lượt cơ sở, kiến nghị 74 tồn tại, thiếu sót về PCCC, xử phạt 4 trường hợp với số tiền 70 triệu đồng; kiểm tra 99 lượt phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cháy nổ.

Có dịp đi ngang qua nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), mọi người không khó để bắt gặp hình ảnh những người lính say sưa tập luyện. Dẫu thuần thục kỹ năng nhưng mồ hôi vẫn mướt áo.

Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-cho hay: Cháy nổ đều xảy ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo và hiểm nguy. Do đó, nguy cơ tử vong đối với lính cứu hỏa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Khi huấn luyện cũng như thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, sử dụng thành thục các loại phương tiện, nắm rõ các quy định của pháp luật.

“Nhiều lúc, anh em trong đơn vị trêu đùa nhau là làm cái nghề mà chỉ mong thất nghiệp. Cứ 1 ngày trôi qua mà không nghe tin báo các vụ việc cháy nổ hay có người bị nạn là chúng tôi rất vui. Tuy nhiên, tình hình thực tế luôn diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải luôn trong tình trạng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, kịp thời cứu người và tài sản khi có hỏa hoạn, bị nạn”-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chia sẻ.

thuong-ta-dau-van-huy-chi-huy-thuc-tap-phuong-an-chua-chay-nha-lien-co-quan-tianh-5949.jpg
Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy nhà liên cơ quan tỉnh. Ảnh: N.T

Với Hạ sĩ Rơ Châm Luân-Chiến sĩ nghĩa vụ tại Đội Công tác Chữa cháy và CNCH, được khoác lên mình màu áo lính cứu hỏa là niềm tự hào. Ngay từ nhỏ, Rơ Châm Luân rất ngưỡng mộ những người lính không ngần ngại xông vào đám cháy cứu người.

Hạ sĩ Luân tâm sự: “Khi đăng ký nghĩa vụ Công an, em không nghĩ mình được phân công về Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đến khi nghe thông báo, em mừng lắm. Khi huấn luyện, em luôn chăm chú lắng nghe để thực hiện động tác đúng với hướng dẫn của chỉ huy. Lúc thực hiện nhiệm vụ, em tiên phong tiếp cận hiện trường.

Được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện học văn hóa, em cố gắng sắp xếp công việc một cách khoa học để học bài với mục tiêu đề ra là thi đậu vào Trường Đại học PCCC”.

4-4215.jpg
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh hướng dẫn các em học sinh sử dụng bình cứu hoả. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục xây dựng lực lượng đảm bảo trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đơn vị cũng chủ động rà soát, nắm tình hình để trình Công an tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện song song công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật với hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH thông qua các phương tiện truyền thông, tập huấn, diễn tập, hoạt động trải nghiệm cho nhiều đối tượng khác nhau. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở, doanh nghiệp vận tải hàng hóa nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Đơn vị hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức tự phòng ngừa của người dân nhằm góp phần kéo giảm số vụ cháy, nổ, sự cố và thiệt hại về tài sản, tính mạng”-Đại tá Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm