TN - Đất & Người

Làng 'triệu phú chân đất'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với sự cần cù, chịu khó, nhạy bén thị trường, những nông dân ở vùng sâu huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua bao khó khăn, biến vùng đất còn hoang sơ thành vườn rẫy các cây công nghiệp, cây ăn trái, trang trại chăn nuôi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Ngôi nhà xây khang trang của người dân làng Quảng Hòa
Làng triệu phú
 Từ trung tâm xã Ea Tam (huyện Krông Năng) qua quãng đường đất đỏ gồ ghề khoảng 4km, tới địa phận làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền (xã Ea Tam) là con đường bê tông, hun hút, màu xanh cà phê, cao su…
Giữa tiết trời hanh khô gió lạnh, chúng tôi nghe chuyện làm kinh tế của bà con dân tộc Nùng, tươi mới trong ngôi nhà sàn khang trang  của gia đình ông Nông Văn Thòn (SN 1957). Xòe bàn tay chai sần, ông Thòn bảo: Kể tên người Nùng An ở làng này mỗi năm thu nhập từ 200 triệu trở lên thì hết cả làng. Mỗi hộ có từ 2 ha trồng các cây công nghiệp xen các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng…. Bây giờ gia đình nào tiện nghi sinh hoạt cũng không kém gì dân phố.
Ngược thời gian về năm 1987, khi làng Quảng Hòa mới di cư vào đây, rừng còn hoang rậm, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Bà con ra chợ xã, thấy vùng lân cận khá giả nhờ trồng cà phê. Một số hộ mạnh dạn mua khoảng 50 cây về trồng. Năm 1991, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, nhận thấy vùng đất phù hợp với loại cây trồng này, bà con dần mở rộng diện tích và trồng xen vào các loại cây khác nhau. 
Đứng trước căn nhà xây 2 tầng, anh Hoàng Đình Tân (SN 1983) cười tươi: “Ngoài ngôi nhà sàn truyền thống, tôi làm thêm nhà này gần 2 tỷ đồng”. Trên 4 ha đất cà phê bố mẹ cho, anh trồng xen tiêu, bơ, sầu riêng. Năm 2006, anh mua thêm 2,5 ha đất trồng cao su, chăm bẵm 6 sào ruộng vừa để lấy gạo ăn, vừa để bán… Các loại cây trồng được bố trí hợp lý, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên rất hiệu quả. Trung bình mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 600 triệu đồng. Anh Tân đã học lái ô tô và sắm được chiếc xe 7 chỗ.
Ông Hoàng Đình Tân- Bí thư chi bộ thôn Tam Điền cho biết: Làng Quảng Hòa có 57 hộ đều là dân tộc Nùng An,  bây giờ chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. Kinh tế phát triển họ đầu tư cho con cái học hành, sẵn sàng góp công sức tiền của để xây dựng đường bê tông trong làng. Mọi người quen gọi làng Quảng Hòa là làng triệu phú. Ở đây mỗi năm có thêm cả chục căn nhà sàn được làm mới, như nhà sàn của ông Nông Văn Thòn được làm mới lại với tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng. Bà con vẫn muốn ở nhà sàn theo tập quán sinh hoạt từ xa xưa. 
Thành công nhờ “lấy ngắn nuôi dài”
 Cùng huyện, nhiều hộ nông dân ở xã Ea Toh cũng làm giàu nhờ phát triển mô hình đa cây, đa con với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Chị Ngô Thị Ngợi (SN 1988, thôn Tân Bắc, xã Ea Toh) nuôi giun (trùn) quế. Đầu năm 2018, chị mua giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích 30m2 với vốn đầu tư 25 triệu đồng. Sau một thời gian, thấy hiệu quả, chị mở rộng quy mô lên 100m2.
Chị Ngợi cho biết: Trung bình mỗi tháng, trên 100m2 nuôi giun này gia đình chị bán khoảng 5 tấn phân thu nhập gần 20 triệu đồng, còn lại thì bón cho vườn cây ăn trái và làm thức ăn cho ngan, gà. Mô hình của chị được nhiều hộ dân trong và ngoài xã tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng.

Theo ông Dương Quốc Thế, Chủ tịch hội nông dân xã Ea Toh, những năm qua nhiều nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hội nông dân đã có nhiều hoạt động trợ giúp nông dân phát triển kinh tế. Trong năm 2018, xã Ea Toh có 1.639 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 945 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Toàn xã có 25 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Hàng trăm hộ có thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng.

Nguyên Thảo (TP)

Có thể bạn quan tâm