Kinh tế

Giá cả thị trường

Lập sàn giao dịch xăng dầu: Cần nhưng phải cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp thị trường minh bạch, cạnh tranh hơn.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có Công văn số 5124 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu về kiến nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua.

Doanh nghiệp đồng thuận

Trước đó, tại 2 hội nghị góp ý sửa đổi dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu diễn ra hồi tháng 5 do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN), thương nhân phân phối và các chuyên gia đã đưa ra đề xuất cần lập sàn xăng dầu tương tự như sàn cà phê, gạo, chứng khoán... mà Việt Nam đang có, để bảo đảm tính minh bạch đầu vào - đầu ra của thị trường xăng dầu.

Từ góc độ thương nhân phân phối, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết dự thảo lần 3 về Nghị định kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo mới đây quy định chỉ có thương nhân đầu mối được mua xăng dầu từ 2 nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Dung Quất. Các thương nhân phân phối chỉ được mua lại xăng dầu từ các thương nhân đầu mối và không được mua bán với nhau. Điều này theo ông là vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật DN, Luật Đầu tư... về quyền tự chủ kinh doanh của DN được nhà nước bảo hộ, công nhận.

Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng có thể được hưởng lợi khi có sàn giao dịch xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH
Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng có thể được hưởng lợi khi có sàn giao dịch xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH

Nếu có sàn xăng dầu, ông Dũng cho rằng các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có thể tự do mua nguồn hàng do 2 nhà máy lọc hóa dầu hay các nguồn xăng dầu nhập khẩu chào bán trên sàn, giá cả sẽ rất cạnh tranh tiệm cận giá thế giới ở các vùng lãnh thổ khác nhau như giá vùng Trung Đông như Aramco; thị trường Mumbai - Ấn Độ hay Trung Á - Kazakhstan... Các DN cũng được tự do mua - bán miễn là có giấy phép kinh doanh. "Điều này sẽ tạo ra sự minh bạch giá đầu vào, không phụ thuộc giá Platt Singapore vốn cao hơn 8%-10% so với các vùng giá nêu trên. Như vậy, tổng thể nhà nước có lợi khi quản lý được nguồn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường chi tiết, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi mua xăng dầu từ nguồn hàng giá thấp..." - ông Dũng phân tích.

Trong khi đó, một DN đầu mối xăng dầu phía Nam nêu thực tế hiện nay 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn) cung ứng tới 80% nhiên liệu cho các DN, số còn lại đến từ nguồn nhập khẩu. Thông thường DN ký hợp đồng mua hàng với 2 nhà máy lọc dầu trong nước kỳ hạn 6 tháng/lần. Hết 6 tháng, 2 nhà máy sẽ giục ký hợp đồng mới. Tuy vậy, có một nghịch lý là nhiên liệu nhập khẩu lại rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. "Chúng tôi không có hệ thống bán lẻ nhiều, vì vậy phụ thuộc vào bán buôn cho các thương nhân phân phối. Nếu giá không cạnh tranh thì rất khó" - đại diện DN này nói và đề nghị nhà nước cần có lộ trình lập sàn giao dịch xăng dầu.

Băn khoăn về cách triển khai

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, sàn giao dịch xăng dầu là mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai. Theo đó, các DN xăng dầu sẽ tham gia mua bán theo chỉ số, hiểu nôm na là trên sàn không có xăng dầu thật mà các DN mua bán chủ yếu phục vụ công tác phái sinh, phòng ngừa giá biến động mạnh. Bảo hiểm giá, nếu giá xuống mạnh DN sẽ không bị lỗ, tức là có phòng ngừa. "Hầu hết DN phải làm cái này trên thế giới, nhất là những công ty lớn" - ông Bảo nói.

Lập sàn giao dịch xăng dầu, ông Bảo cho rằng sẽ giúp DN có thêm công cụ bảo hiểm giá, tránh rủi ro. Song, khi triển khai ở Việt Nam cần phải tính tới các điều kiện khác biệt để bảo đảm vận hành hiệu quả. "Hiện, thị trường xăng dầu Việt Nam chưa tiệm cận đủ yếu tố thị trường, do vậy có thể dẫn tới tình trạng giá tăng nhưng không được tăng do cơ chế điều hành của nhà nước. Điều này sẽ không phát huy được tác dụng của sàn" - ông Bảo nêu vấn đề.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết Việt Nam hiện đã có các sàn giao dịch như chứng khoán, gạo, cà phê..., do vậy hoạt động mua bán xăng dầu cũng nên lên sàn để đạt hiệu quả và minh bạch. Có sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp bảo hiểm giá, bảo hiểm rủi ro. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các tập đoàn, DN quốc tế.

Theo ông Long, trong xăng dầu có 4 loại hợp đồng gồm tương lai, kỳ hạn, quyền chọn và chênh lệch giá gọi chung là phòng vệ giá (hedging). Công cụ "hedging" là để bảo hiểm giá, chứ không phải đi mua bảo hiểm. DN sử dụng phòng vệ giá hay bảo hiểm giá là phải ký những hợp đồng này, gọi là giao dịch phái sinh. Do vậy, DN phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về trình độ, nghiệp vụ phân tích, dự báo để tham gia sàn cho hiệu quả.

Hơn nữa, ông Long băn khoăn về việc lập sàn ai sẽ đứng ra phụ trách, điều kiện tham gia sàn thế nào. Lập sàn phải có kho hàng và cách quản lý đội ngũ môi giới. Do vậy, Bộ Công Thương phải nghiên cứu với điều kiện cụ thể để tính toán hiệu quả triển khai trên thực tế.

Siết điều kiện lập sàn giao dịch

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng điều kiện và chặt chẽ hơn, bao gồm các điều kiện về vốn điều lệ thực góp, điều kiện về thành viên sáng lập và nhân sự điều hành phải có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan, có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn giao dịch điện tử, an ninh mạng...

Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa; phê chuẩn Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định thành lập Sở Giao dịch hàng hóa. Hội đồng có đại diện của các bộ, ngành liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép.

Có thể bạn quan tâm