Lắt lay bám trụ với nghề xe ôm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm trước, không ít người ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) chọn công việc chạy xe ôm để mưu sinh, đơn giản vì nghề này chỉ cần dắt xe ra đường là có tiền. Nhưng rồi, trước sự cạnh tranh của nhiều loại phương tiện, nghề xe ôm truyền thống giờ dần mất đi chỗ đứng, nhiều người phải lắt lay bám trụ qua ngày.
Một thời “ra đường là có tiền”
Gắn bó với nghề xe ôm gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Lơn (tổ 1, phường Thống Nhất) chia sẻ: “Gia đình đông con, đất sản xuất lại không có nên anh em chúng tôi mỗi người tự kiếm một nghề để mưu sinh. Tôi dành dụm được 4 chỉ vàng để mua chiếc xe máy PS. Sau đó, tôi ra khu vực Bến xe nhỏ để đón khách”.
Thời ấy, phương tiện di chuyển ít, xe buýt, xe trung chuyển chưa thông dụng nên xe ôm chạy không hết khách. “Bình quân mỗi ngày, tôi kiếm được 20.000 đồng, đủ mua 50 kg gạo cho gia đình ăn cả tháng”-ông Lơn nhớ lại.
Cũng có thâm niên 29 năm trong nghề chạy xe ôm, ông Nguyễn Lành (tổ 3, phường Chi Lăng) trải lòng: “Tôi từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Sau đó, tôi chuyển công tác về Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới đến năm 35 tuổi thì nghỉ mất sức. Sức khỏe suy giảm, con cái nheo nhóc. Vì vậy, tôi mua chiếc xe máy ra khu vực Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để chạy xe ôm”.
Theo ông Lành, những năm 90 của thế kỷ trước, cả khu vực chỉ có hơn 10 người chạy xe và tập trung về 1 điểm. “Phương tiện di chuyển ít nên nhiều người lỡ chuyến, lỡ việc, xa mấy cũng đi xe ôm. Chuyện chở khách lên Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), rồi chở sang cả huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak)... là bình thường. Khách đông nên thu nhập ổn lắm”-ông Lành chia sẻ.
Vài năm trở lại đây, thu nhập của ông Nguyễn Văn Lơn (tổ 1, phường Thống Nhất) đa phần nhờ vào việc chở hàng cho các xe tải. Ảnh: Phương Dung
Vài năm trở lại đây, thu nhập của ông Nguyễn Văn Lơn (tổ 1, phường Thống Nhất) đa phần nhờ vào việc chở hàng cho các xe tải. Ảnh: Phương Dung
Mặc dù công việc dễ kiếm thu nhập nhưng cả ông Lành và ông Lơn đều cho rằng, nghề xe ôm luôn phải đối diện với không ít hiểm nguy. Hiểm nguy từ những yếu tố khách quan lẫn chủ quan, từ việc hằng ngày luôn phải chạy xe trên đường, rồi những chuyến chở khách đi về trong đêm chẳng may xe hỏng hoặc gặp phải người khách có ý đồ xấu, khách không chịu trả tiền... Do vậy, với mỗi người chọn nghề xe ôm, ngoài thuộc nằm lòng các tuyến đường, họ còn phải tự trang bị cho mình những kỹ năng phòng vệ.
“Tôi luôn chăm chút chiếc xe một cách cẩn thận, lốp xe không được mòn, ruột xe thì không quá 3 miếng vá. Ngay khi nhận khách, tôi chú ý quan sát từng cử chỉ, hành động và vừa đi dọc đường vừa nói chuyện để thăm dò. Nếu thấy khách có gì đó bất thường, tôi sẽ cố gắng chạy xe thật nhanh, tuyệt đối không dừng ở những đoạn đường vắng dù khách có yêu cầu và khi dừng xe thường chọn nhà dân hoặc quán tạp hóa để tránh nguy hiểm cũng như không bị quỵt tiền”-ông Lành nói thêm.
Thu nhập bấp bênh
“Trước đây, cứ khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu chở khách đi về các huyện. Còn bây giờ vào tầm đó, bến xe “vắng như chùa Bà Đanh”! Hầu hết bà con chọn đi xe buýt, xe đò hoặc các phương tiện giá rẻ khác, còn khách đi xe ôm về huyện gần như không có. Vài năm trở lại đây, tôi chở khách đi xa nhất cũng chỉ tới khu vực ngã tư Biển Hồ rồi vòng về hoặc xa hơn nữa là tới thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai)”-ông Lơn bộc bạch.
Bến xe vắng khách, nguồn thu nhập giảm nên nhiều người phải bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác. Những người bám trụ đa phần đã lớn tuổi, gắn bó lâu năm với công việc và con cái cũng trưởng thành. Hơn nữa, những người này đều có một lượng khách quen ổn định để đảm bảo nguồn thu mỗi ngày.
“Như tôi bây giờ chủ yếu nhờ vào mấy anh em chạy xe tải, khi thì họ nhờ đi lấy hàng, chở hàng hoặc mua giùm cái nọ, cái kia. Nhưng cũng chỉ được một lúc buổi sáng, còn buổi chiều bến xe vắng nên chơi là chính. Thỉnh thoảng mới có 1-2 khách vãng lai. Mấy năm trước, mỗi tháng tôi còn có tiền dư đưa cho vợ, còn bây giờ lo chi phí cho bản thân, chi tiêu lặt vặt không phải xin thêm là tốt rồi. 62 tuổi kiếm việc gì cũng khó, thôi thì cứ cầm cự với nghề, được đến lúc nào hay lúc đó”-ông Lơn trần tình.
Còn ông Tống Văn Khiết (tổ 5, phường Trà Bá) cũng chua xót nói: “Nghề xe ôm bây giờ cũng giống như người đi câu cá. Có khi ngồi từ sáng đến chiều không câu được con nào”.
Hơn 60 tuổi song mỗi sáng ông Khiết đều có mặt ở khu vực ngã tư đường Nơ Trang Long-Trường Chinh để đón khách. Ngày nào may mắn, ông đón được 1-2 người khách xuống xe, còn không thì chỉ chở khách quen rồi lại về. Ông Khiết lý giải: Thành phố nhỏ, xe đò, xe khách, xe buýt chạy liên tục, chưa kể các hãng taxi giá rẻ, rồi xe ôm công nghệ... nên khách có nhiều sự lựa chọn.
Bà Võ Thị Hà (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho biết: “Những năm trước, cứ 1 tuần tôi đón xe đò đi TP. Pleiku 2 chuyến để mua hàng hóa về bán. Phải mua nhiều mặt hàng khác nhau, ở nhiều điểm nên tôi luôn chọn xe ôm để đi, vừa nhanh, vừa tiện. Bây giờ vài tháng tôi mới đi một lần, vì muốn mua gì, mua bao nhiêu tôi chỉ cần gọi điện thoại cho bạn hàng gửi xe về”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm