Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ sự khác biệt khi làm CEO startup và CEO một công ty lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu coi CEO là thuyền trưởng, người đứng đầu startup phải tự tìm hướng đi trong khi nhà điều hành doanh nghiệp cần biết cách lái một con tàu lớn.
Trong một sự kiện mới đây do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (ĐH Quốc tế - ĐHQG.HCM) tổ chức, bà Lê Diệp Kiều Trang – Nhà sáng lập Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam đã chia sẻ về sự khác biệt khi đảm nhiệm vị trí CEO startup do mình sáng lập (Entrepreneur) và khi được tuyển dụng về làm CEO của một doanh nghiệp lớn (Excutive).
Theo bà Trang, nếu nhìn qua mọi người đều nghĩ CEO startup và CEO doanh nghiệp lớn rất giống nhau. Họ đều là những người đứng đầu một công ty.
“Người đứng đầu Coca-Cola gọi là CEO, người đứng đầu một startup cũng gọi là CEO. Họ đều là người dẫn dắt công ty, chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, về những tác động với xã hội của doanh nghiệp. Họ cũng là người phải chịu trách nhiệm với khách hàng, nhân viên và những người liên quan đến công ty đó”, bà Trang nói.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Alabaster cho rằng con đường đến vị trí CEO của một tập đoàn lớn như Coca-Cola sẽ rất khác con đường đến vị trí điều hành của một startup.
“Khi làm Excutive, bạn gia nhập một công ty với đội ngũ có sẵn, có các phòng ban và người đứng đầu các bộ phận. Nó giống như bạn bước lên một con thuyền, đảm nhận vị trí thuyền trưởng và các đội trưởng đã được sắp xếp đội hình đâu ra đấy”, bà Trang lấy ví dụ.
“Ngược lại khi bạn làm Entrepreneur, con thuyền đó có thể chỉ có mình bạn, hoặc may mắn hơn có thêm co-founder. Các bạn sẽ là những người xếp các viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đó dần lớn lên sẽ có thêm các nhân viên và phòng ban khác”, cựu CEO Go-Viet nói thêm.
 
Lê Diệp Kiều Trang - Nhà sáng lập Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam . Ảnh: FBNV
Lê Diệp Kiều Trang - Nhà sáng lập Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam . Ảnh: FBNV
Theo bà Trang, thử thách của Entrepreneur là sẽ phải tự tìm hướng đi cho “con tàu” của mình và xây dựng công ty phát triển từ nhỏ đến lớn. Trong khi đó, Excutive phải biết cách “lái một con tàu lớn”. Vì vậy, “bài toán mà Entrepreneur và Excutive phải giải quyết sẽ rất khác nhau”.
“Một con tàu nhỏ rất dễ rung lắc, gặp sóng lớn là chòng chành. Là Entrepreneur cũng vậy, công ty của bạn sẽ có những thời điểm rất khó khăn, đi lên đi xuống rất nhiều. Các bạn có thể thử nghiệm một sản phẩm mới, bỏ vào đó rất nhiều tiền và công sức những cuối cùng thất bại. Muốn làm lại sản phẩm bạn phải đi gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư và đội ngũ...”, bà Trang nói.
“Có thể 6 tháng trước sản phẩm của bạn không là gì cả, nhưng số user có thể tăng lên một thành phố hay một quốc gia rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng có thể là 100 hay 1.000 lần, đặc biệt với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao”, cựu CEO Go-Viet nói về khả năng tăng trưởng của một startup.
Khác với startup, doanh nghiệp lớn đòi hỏi sự ổn định cao, “người lái thuyền không thể lạng qua lạng lại vì không an toàn và những người trên tàu cũng không thể thích nghi”.
“Với startup có thể chỉ ảnh hưởng đến 10 người, nhưng với những doanh nghiệp lớn, đằng sau bạn là hàng trăm con người và rất nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, “cách lái” phải khác, mục tiêu hướng đến không phải là mức tăng trưởng 100 hay 1.000 lần vì định giá của nó có thể đã là vài trăm, vài tỷ USD”, bà Trang giải thích.
Về thu nhập, “Excutive được trả lương thưởng hàng năm. Trong khi với Entrepreneur, lương chỉ là một phần, điều hướng đến vẫn là “capital gain” (lãi về vốn) của công ty. Một số doanh nghiệp muốn hướng Excutive đến sự phát triển của công ty cũng sẽ tặng cổ phần cho họ, thường dưới dạng quyền chọn cổ phiếu”, bà Trang chia sẻ.
Theo Linh Lam/NDH/Dân Việt
https://etime.danviet.vn/le-diep-kieu-trang-chia-se-su-khac-biet-khi-lam-ceo-startup-va-ceo-mot-cong-ty-lon-20201119073944307.htm

Có thể bạn quan tâm