Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột: Bức tranh toàn cảnh mùa xuân Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 4 ngày (9-3 đến 12-3-2013) diễn ra sôi động, ấn tượng đặc sắc để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng bạn bè trong và ngoài nước. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4-năm 2013 đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc diễn ra vào tối ngày 12-3 tại Quảng trường 10-3, TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak).

Chương trình nghệ thuật đêm bế mạc. Ảnh: Bá Thăng
Chương trình nghệ thuật đêm bế mạc. Ảnh: Bá Thăng

Nếu như chương trình nghệ thuật đêm khai mạc được diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện đại kết hợp với nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của vùng đất Tây Nguyên thì chương trình nghệ thuật bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4-năm 2013 đã làm toát lên âm hưởng ngợi ca mảnh đất, con người xứ sở Buôn Ma Thuột trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đặc biệt trong đó nhấn mạnh tới quá trình lao động sản xuất, chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột-một đặc sản quí giá của núi rừng Tây Nguyên. Đó cũng là niềm khát khao của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mong muốn góp phần làm cho quê hương ngày thêm đổi mới, mạnh giàu.
 

Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội đường phố. Ảnh: Bá Thăng
Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội đường phố. Ảnh: Bá Thăng

Đặc biệt hơn, ngay trong đêm bế mạc này, không gian Lễ hội Tây Nguyên được phục dựng thông qua những hình tượng nghệ thuật điển hình, chương trình vẽ lên bức tranh toàn cảnh mùa xuân Tây Nguyên tràn đầy nhựa sống, ước mơ và hy vọng. Chương trình dệt nên bức thông điệp gửi tới bà con các dân tộc Tây Nguyên, tới nhân dân cả nước cùng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bè bạn Quốc tế - Tất cả hãy hành động vì mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thành công trên thương trường thế giới.    

Theo đánh giá tổng kết của Ban tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này diễn ra với nhiều nội dung hơn so với các Lễ hội cà phê lần trước. Với Hội thảo “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê” đã xoáy sâu vào việc nghiên cứu giải pháp, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê.

Về hoạt động kích cầu tiêu thụ cà phê nội địa, ngoài việc được thưởng thức cà phê miễn phí tại 22 quán cà phê nổi tiếng trên khắp địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4-năm 2013 đã tổ chức thành công “Khu phố cà phê” từ đó du khách thưởng thức được đặc sản cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh các hoạt động chính của Lễ hội, các chương trình văn hóa, nghệ thuật cũng đa dạng và phong phú hơn như: Lễ hội đường phố; Chương trình Đêm hội vào mùa; Cuộc thi “Nữ hoàng cà phê”; Hội thi pha chế cà phê; Triển lãm thời sự-nghệ thuật về cà phê và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên…
 

Múa phụ họa về cà phê. Ảnh: Bá Thăng
Múa phụ họa về cà phê. Ảnh: Bá Thăng

Anh Hải-một du khách ở Bình Định cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi có dịp được đến Ban Mê vào mùa Lễ hội… Theo cảm nhận của tôi thì Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này tỉnh Đak Lak tổ chức bài bản hơn, các nội dung hoạt động trong lễ hội phong phú và ấn tượng hơn các lần trước. Kịch bản đêm khai mạc đã có nhiều đổi mới với chương trình nghệ thuật ấn tượng. Đặc biệt hơn là đến với Lễ hội lần này ngoài việc được thưởng thức cà phê miễn phí tại các quán cà phê nổi tiếng trên khắp TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi còn được trải lòng qua các khu phố cà phê, đây được ví như “một không gian mở” thoải mái, sảng khoái”.
 

Lễ hội lần này thu hút gần 300 phóng viên trong và ngoài nước đến tác nghiệp. Ảnh: Bá Thăng
Lễ hội lần này thu hút gần 300 phóng viên trong và ngoài nước đến tác nghiệp. Ảnh: Bá Thăng

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã thật sự trở thành ngày hội cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, bạn bè du khách trong và ngoài nước nói chung. Thông qua Lễ hội nhằm góp phần mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và các sản phẩm làm từ cà phê; nâng cao nhận thức và tôn vinh các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất cà phê, kinh doanh cà phê; giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên; góp phần tích cực vào định hướng phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.

Đây cũng là dịp để khẳng định với du khách trong và ngoài nước về mảnh đất và con người Tây Nguyên, Đak Lak luôn thân thiện, ổn định và bình yên.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm