Điểm đến Gia Lai

Lên đỉnh Tơgu tìm nơi bok Núp bắn Pháp chảy máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1987, chúng tôi về làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) “cùng ăn, cùng ở” với bà con để sờ tận tay, nhìn tận mắt, cảm nhận không gian… tại địa điểm có sự kiện diễn ra trong kháng chiến chống Pháp.

Đêm đêm nơi góc nhà sàn của làng, bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi lắng nghe bok Jơt, bok Hep… kể chuyện. Cùng với những gì đã đọc trong tác phẩm “Đất nước đứng lên”, tôi hình dung rõ mồn một về ngôi làng đã ghi dấu kỳ tích “bắn Pháp chảy máu” của người Bahnar. Vậy là, tôi xin già làng Jơt bố trí cho một cuộc “lên núi”.

Chuyến đi ấy diễn ra vào một sáng mùa đông. Tôi và anh Trần Hữu Tài được bok Hep, anh A Nhoan dẫn đường. Đi cùng còn có 2 du kích thôn. Mỗi người đều đeo gùi, cầm rựa… để tranh thủ hái lượm thêm. Thường thì người Bahnar chỉ ra khỏi nhà khi mặt trời đã lên cao. Nhưng hôm ấy, bok Jơt giục chúng tôi đi từ khi mặt trời chưa mọc, vì bok nói, làng cũ xa lắm, phải qua nhiều núi, nhiều khe.

Làng kháng chiến Stơr thuộc thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Ảnh tư liệu

Làng kháng chiến Stơr thuộc thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Ảnh tư liệu

Ra khỏi làng, cả nhóm men theo bờ Nam suối Tơ Tung, len lỏi dưới con đường mòn rợp bóng cây, nhiều đoạn phải phát cây mà đi… Chúng tôi ngược mãi về hướng Tây, phía dãy Mang Yang. Lúc đầu, mọi người còn có sức để trò chuyện, đùa giỡn, hát hò. Nhưng càng đi, chân càng mỏi.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến một khu rẫy cũ lúc mặt trời vừa tỏa ấm. Anh A Nhoan nằm vội ngay xuống, chân tay buông thõng, mặt ngửa lên trời: “Chỗ này đây Vân!”. Tôi mừng quá, reo lên: “Ồ, vậy đi cũng nhanh, không đến nỗi mệt lắm”.

Trong khi mọi người ngồi nghỉ, tôi đưa mắt quan sát để tìm những dấu hiệu “quen”. Nhưng, thật lạ. Nhìn mãi tôi vẫn không thấy hình dáng của những thứ mình đã được nghe kể, được mô tả.

Tôi quay lại, đến trước mặt anh A Nhoan, nói như ra lệnh: “Chúng ta nghỉ chút cho đỡ mệt rồi đi tiếp ạ!”. Anh A Nhoan đáp lời: “Đi đâu, đến rồi mà!”. Tôi hỏi lại anh: “Vậy hàng cây đa rào làng đâu? Suối Kơ Tơjăk đâu?”. Biết không lừa được tôi, anh A Nhoan cười trừ rồi bảo: “Thật mệt với Vân quá”.

Sau một hồi ngó nghiêng thì tôi biết rằng, thực ra, đây cũng là một địa điểm cũ của làng Stơr trước khi làng phải dời sâu vào dãy Tơgu khi quân Pháp đến. Nơi này được gọi là đê (làng) Chơ Amung, nằm bên một triền đồi có địa hình khá đẹp.

Anh A Nhoan cùng bok Hep và Hruk (con trai bok Núp) là những người ra Bắc tập kết (năm 1954) với bok Núp. Ở miền Bắc, sau khi học xong Đại học Kinh tế-Kế hoạch thì bok Hep trở về quê, làm việc ở Ban Kinh tài tỉnh từ hồi trước giải phóng.

Anh A Nhoan là con trai duy nhất của già làng Jơt, có năng khiếu âm nhạc, đã từng công tác ở Đoàn Văn công khu 5. Lúc gặp chúng tôi, anh công tác trong lực lượng 03 chống FULRO của tỉnh. Lần đầu tôi gặp anh là lúc anh về nhà thăm bok Jơt. Nhìn “tướng” anh có vẻ nghiêm nghị, dễ nổi nóng; rồi nghe giọng anh nói, khẩu khí “oai phong” của anh đã làm tôi e sợ. Nhưng sau nhiều lần gặp, nói chuyện thì tôi “nhờn mặt”. Chuyến này, anh về làng và tình nguyện dẫn chúng tôi đi khảo sát. Được đi với những người con ưu tú của Stơr, tôi thấy mình thật may mắn.

Sau một lúc nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục chuyến đi. Từ đây, không còn đường mòn nữa. Dẫn đầu là 1 du kích phát đường. Tiếp theo là bok Hep với cái rựa trên tay, luôn vén cành, bẻ lá, chặt dây leo… để mọi người tiến về phía trước. Tôi cố bám sát bok Hep để không bị tụt lại, tiếp theo là anh Tài, anh A Nhoan và đi cuối cùng là người du kích thứ 2. Càng về sau, càng phải leo nhiều dốc cao… Gần trưa thì chúng tôi cũng tới được nơi cần đến.

Tôi thật sự thích thú khi cảnh quan xung quanh là những gì đã hằn sâu vào tâm trí: Làng cũ (Ktu Jri) nằm trên triền phía Bắc của ngọn núi Tơgu. Các mặt đều được bao bọc bởi những vách đá gần như dựng đứng của các dãy kông Pok Pơri, kông Pôk, kông Arap (theo cách gọi của dân địa phương), những ngọn núi hiểm trở nhất trong dãy Mang Yang. Phía Bắc là vách núi dựng đứng đổ xuống suối Tơ Tung. Để đến được làng chỉ có con đường độc đạo đi qua suối Kơ Tơjăk (ở phía Đông) rồi trèo ngược lên (cũng theo vách đá dựng đứng).

Đi một vòng, bok Hep chỉ cho tôi vị trí đã từng có ngôi nhà rông, cách đó khoảng 20 m là nơi có gốc xoài mà bok Núp đã kề ná, với mũi tên tẩm thuốc độc được lên sẵn, đợi toán lính khố đỏ do một quan Pháp dẫn đầu. Đặc biệt là ở phía Tây và phía Nam, hàng rào cây đa vẫn còn khá nguyên vẹn, vút cao, rễ buông xuống ken thành bức tường dày, chắc chắn. Lúc này, làng Stơr chỉ có 7 bếp. Đây chính là cơ sở để sau này khi phục dựng làng Stơr dưới chân núi, 7 ngôi nhà sàn được tái hiện.

Ngồi đây, chúng tôi tiếp tục được nghe bok Hep kể về những già làng kiên cường của Stơr như: bok Jơt, bok Hip, bok Klanh, bok Do…; kể về 12 lần dân làng phải di chuyển quanh ngọn núi này để lánh quân Pháp; kể về lực lượng tự vệ của làng trong những năm chống Pháp do bok Núp chỉ huy; được tận mắt nhìn những địa điểm dân làng gài chông, thò, mang cung, bẫy đá…

Ngày nay, đường lên Tơgu đã dễ đi hơn rất nhiều. Nghe nói, chỉ cần thuê người địa phương chở xe máy (nhắm mắt, bám chặt cho đỡ sợ) mất khoảng 30 phút là đến bờ suối Kơ Tơjăk, sau đó leo bộ khoảng 30 phút nữa là có thể đến nơi.

Có thể bạn quan tâm