Phục dựng “Làng kháng chiến Stơr” trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh: Cần thiết và ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Gia Lai-cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng tỉnh trong năm 2023 là phục dựng “Làng kháng chiến Stơr” tại khuôn viên đơn vị. Theo kế hoạch, việc phục dựng hoàn thành trong quý II, kịp phục vụ khách tham quan trong dịp Quốc khánh 2-9.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp trở lại. Bảo tàng tỉnh cũng đã chủ động bắt nhịp với các hoạt động văn hóa ngay từ những ngày đầu Xuân Quý Mão bằng việc phục vụ hàng ngàn lượt khách tham quan Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) và Bảo tàng. Nhằm triển khai phục dựng “Làng kháng chiến Stơr” để phục vụ khách tham quan, ngày 6-2, đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Làng kháng chiến Stơr tại xã Tơ Tung, huyện Kbang.

Đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Trước khi tiến hành khảo sát, đoàn công tác đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Núp, cánh chim đầu đàn của phong trào cách mạng tại Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Cuộc đời cách mạng của Anh hùng Núp đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử, ông là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Gắn với cuộc đời cách mạng của Anh hùng Núp là Làng kháng chiến Stơr. Ngày 23-3-1993, làng Stơr đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa. Ngày 19-5-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 246/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu lưu niệm Anh hùng Núp với diện tích 5,25 ha tại trung tâm làng Stơr, xã Tơ Tung. Trong sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh có đoạn miêu tả cụ thể phương pháp dùng vũ khí thô sơ đánh Pháp của Anh hùng Núp và dân làng: “Trước cách mạng tháng 8-1945, ông đã chỉ huy thanh niên Stơr tổ chức dân làng chiến đấu chống Pháp xâm lược gìn giữ núi rừng, buôn làng, bằng những vũ khí đơn sơ như: chông tre, bẫy đá, cung tên... đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, nêu tấm gương sáng chói cho các dân tộc Tây Nguyên noi theo, đứng lên chống giặc ngoại xâm gìn giữ quê hương, đất nước”.

Trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh hiện nay đã đặt tượng đài Anh hùng Núp. Chính vì vậy, sẽ rất phù hợp nếu phục dựng không gian “Làng kháng chiến Stơr” bên cạnh tượng đài người anh hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Theo đó, đoàn công tác đã tham quan tìm hiểu kỹ mô hình làng Stơr trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, kết hợp với tham quan mô hình làng Stơr phục dựng tại xã Tơ Tung, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng “Làng kháng chiến Stơr” tại khuôn viên Bảo tàng. Nhìn chung, Bảo tàng tỉnh có khuôn viên rộng, hệ thống cây xanh sẵn có sẽ thuận lợi cho việc phục dựng các bẫy chông, bẫy đá, hầm chông, suối đá... Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình nhà rông theo tỷ lệ 1:1 như ở làng kháng chiến phục dựng tại xã Tơ Tung thì cần được đầu tư kinh phí.

Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, người dân trong tỉnh và du khách thập phương sẽ được tham quan “Làng kháng chiến Stơr” ngay tại TP. Pleiku xinh đẹp.

Có thể bạn quan tâm