(GLO)- Xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) là căn cứ địa trong kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là nơi dừng chân của các đơn vị chủ lực chuẩn bị cho những trận đánh lớn vào các căn cứ của Mỹ-ngụy, góp phần làm nên những chiến công vang dội. Ngày nay, bà con các dân tộc anh em trên mảnh đất này đang viết tiếp những câu chuyện đẹp về quá trình xây dựng quê hương.
Trung dũng, kiên cường trong kháng chiến
Đón tôi trong căn nhà khá khang trang, ông Yép (làng Kop) năm nay gần 80 tuổi, kể: “Mình sinh ra ở xã Đak Sơ Mei. Năm 16 tuổi, mình tham gia du kích làm nhiệm vụ cài chông, đặt bẫy để bảo vệ làng. Năm 18 tuổi, mình đã được bộ đội cấp súng, đêm đêm dẫn cán bộ vượt đồn bốt của địch để vào ấp chiến lược vận động nhân dân đấu tranh chính trị”. Dừng lại một chút, ông kể tiếp: “Tháng 4-1966, địch huy động nhiều tiểu đoàn có máy bay trực thăng, xe tăng yểm trợ mở đợt càn quét vào Kon Gang. Thế nhưng nhân dân và du kích xã đã phối hợp với bộ đội huyện và các đơn vị khác tổ chức chiến đấu anh dũng, bắn rơi, phá hủy nhiều máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện vũ khí khác, diệt 120 tên địch. Trận đánh này, riêng mình bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Sau đó, mình được cấp trên khen thưởng”.
Ông Yép (giữa) kể lại những năm tháng hoạt động cách mạng ở xã Kon Gang. Ảnh: V.H |
Để minh chứng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân xã Kon Gang, ông Nguyễn Lộ-Bí thư Đảng ủy xã-khái quát: “Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và du kích xã đã độc lập tác chiến 121 trận, phối hợp tác chiến 102 trận, diệt 153 tên địch, bắn rơi 8 máy bay trực thăng, bắn hư 3 chiếc khác, bắn cháy 8 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 8 xe quân sự và 10 cầu cống. Tổng số thời gian nuôi giấu cán bộ của nhân dân xã là 21 năm 1 tháng (tương đương với 8.000 ngày). Cùng với đó, 109 gia đình có công nuôi giấu cán bộ đã được lưu danh vào sổ vàng truyền thống của xã, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân-huy chương”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Blúc-thương binh hạng 4/4 ở làng Krai-bùi ngùi: “Năm 1969, Thị ủy Pleiku chuyển toàn bộ căn cứ về Kon Gang. Du kích làng mình phối hợp với an ninh thị xã Pleiku mở tuyến đường bí mật từ Kon Gang qua đồi thông Lệ Cần-cánh đồng An Mỹ-trục lộ 14 về căn cứ xã Gào. Mình vẫn nhớ như in già làng Ama Ruh bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn không khai báo cơ sở cách mạng. Cuối cùng, địch mổ bụng, moi gan ông nhằm làm lung lay ý chí chiến đấu của quân dân ta”. Ông Blúc còn cho biết, trong trận đánh ấy, Xã đội trưởng A Lứt bị địch vây bắt. Sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, ông đã dùng lựu đạn tự sát chứ quyết không chịu rơi vào tay địch.
Đổi thay nhiều mặt
Bước ra từ chiến tranh, xã Kon Gang đã đối mặt với muôn vàn khó khăn. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 50%. Thế nhưng đến nay, đời sống của người dân trong xã đã có nhiều thay đổi. Xã có 927 hộ với hơn 4.000 khẩu sinh sống tại 6 làng, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 57%. Những năm qua, các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã phát triển. Năm 2018, huyện đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều công trình mang lại lợi ích to lớn cho người dân như: đập tràn liên hợp từ làng Ktu đi khu dân cư Tam Điệp, tuyến đường từ làng Klót đi làng Krai. Riêng năm 2019, xã được đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng một số công trình phúc lợi. Đến nay, 100% làng thuộc xã đều có đường bê tông.
Nói về những đổi thay trên vùng đất anh hùng, ông Nguyễn Lộ cho biết thêm: Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự nguyện phá dỡ hàng trăm mét tường rào để mở rộng đường giao thông, hiến hơn 200 m2 đất để mở tuyến đường nhựa từ trụ sở UBND xã đi làng Krai, đóng góp hàng trăm ngày công để sửa chữa, nạo vét kênh mương. Người dân còn chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Hiện toàn xã có gần 400 ha lúa nước, 100 ha mì, 15 ha rau các loại, 15 ha cao su... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 19,37%; 15% số hộ có thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Amép-già làng Kop-tự hào: “Quê mình giờ đổi thay nhiều lắm, đường nhựa thẳng tắp, trẻ em được đến trường, đường điện được kéo đến tận nhà. Dân mình giờ đã bỏ hết hủ tục, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Mình luôn dặn con cháu phải chăm lo lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
VĨNH HOÀNG