Ông Nguyễn Văn Hùng xuất thân trong gia đình có kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, do quỹ đất tại địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm nên năm 2022, ông lặn lội sang huyện Đak Đoa tìm đất. Nhận thấy vùng đất này khá phù hợp để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, chỉ sau 1 ngày khảo sát, ông quyết định mua 10 ha đất liền kề rồi quy hoạch khu vực trồng dâu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, phun mưa. Đồng thời, ông đầu tư gần 14 tỷ đồng xây dựng trại nuôi tằm cùng nhà ở cho công nhân. Sau đó, ông Hùng xin phép thành lập HTX Kén tằm Gia Lai với 9 thành viên do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc. Đặc biệt, ông Hùng đã mời những người có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Đồng sang làm việc cho HTX với chế độ đãi ngộ khá cao.
Ông Hùng cho biết: “Gia Lai có quỹ đất rộng, song nghề trồng dâu nuôi tằm chưa phát triển mạnh. Vì vậy, HTX mạnh dạn đầu tư vào tất cả các khâu từ cung ứng vật tư, giống dâu, tằm chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, HTX đưa một số cán bộ kỹ thuật từ Lâm Đồng sang Gia Lai làm việc tại trang trại để phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất trong việc đầu tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm”.
Giám đốc HTX Kén tằm Gia Lai Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: H.C |
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: Nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển tại một số xã, thị trấn của huyện, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho nhiều hộ gia đình. Đặc biệt, HTX Kén tằm Gia Lai đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã có những giải pháp phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm phù hợp với điều kiện thực tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Đây là động lực để người dân và HTX cùng liên kết sản xuất, phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm.
Sau gần 3 năm hoạt động, HTX Kén tằm Gia Lai đã tạo niềm tin đối với những người trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh. Hàng tháng, HTX cung cấp hơn 2.000 hộp tằm giống cho người dân trong tỉnh với giá 1 triệu đồng/hộp. Sau khi nuôi khoảng 15-18 ngày, mỗi hộp tằm thu được 70-80 kg kén. Sản phẩm được HTX thu mua với giá 195-200 ngàn đồng/kg. Mỗi tuần, HTX thu mua khoảng 20 tấn kén của người dân các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, HTX còn đầu tư xây dựng 1 nhà xưởng chuyên làm dụng cụ nuôi tằm cung cấp cho người dân. Qua đó, HTX tạo việc làm thường xuyên tại xưởng và trại trồng dâu nuôi tằm cho khoảng 140 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Tùy theo vị trí việc làm, mức lương có thể lên đến 20-22 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hoa Thị Như Quỳnh (thôn Hà Lòng 2) phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi ở nhà bán hàng tạp hóa. Năm 2023, tôi được HTX Kén tằm Gia Lai nhận vào làm công nhân với công việc chính là cho tằm ăn. Công việc tương đối nhẹ nhàng. Mỗi tháng, tôi được HTX trả lương 7 triệu đồng cùng các chế độ đãi ngộ khác. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”.
Hợp tác xã Kén tằm Gia Lai cung cấp giống tằm chất lượng cao cho người dân. Ảnh: N.D |
Còn bà Nguyễn Thị Như Phúc-Cán bộ kỹ thuật của HTX-thông tin: “Công việc chính của tôi là thường xuyên kiểm tra, nắm bắt toàn bộ quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm của HTX. Khí hậu Gia Lai khắc nghiệt hơn Lâm Đồng nên cách nuôi tằm cũng phức tạp hơn. Tuy công việc tương đối vất vả nhưng bù lại, tôi được HTX bao ăn ở, lương bình quân mỗi tháng khoảng 20-22 triệu đồng”.
Theo tính toán, mỗi héc ta trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững tốn khoảng 40-45 triệu đồng, thấp hơn so với nhiều loại cây trồng. Trong khi đó, chu kỳ thu hoạch kéo dài 15-20 năm và chỉ sau 4-5 tháng trồng dâu thì người dân có thể bắt đầu nuôi tằm lấy kén. Mỗi héc ta dâu, người dân nuôi 4-5 hộp tằm. Với giá kén hiện nay dao động 180-190 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 15-20 triệu đồng/tháng.
Ông Hùng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện để HTX có thêm quỹ đất mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm cũng như đầu tư xây dựng thêm trang trại nuôi cấy giống tằm chất lượng cao. Đặc biệt, chúng tôi dự tính khi có quỹ đất sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng kéo sợi ngay tại huyện Đak Đoa, góp phần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm kén. Nếu việc này được triển khai sớm sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ”.