Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết trồng cà tím Nhật Bản: Phòng ngừa "đem con bỏ chợ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hộ dân ở huyện Phú Thiện liên kết với Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu trồng cà tím Nhật Bản trên diện tích khoảng 25 ha. Trong khi người dân tin tưởng vào hiệu quả của mô hình này thì chính quyền và ngành chức năng lại tỏ ra thận trọng bởi trước đó từng có doanh nghiệp đến Phú Thiện (Gia Lai) liên kết sản xuất với nông dân rồi “đem con bỏ chợ”.
Nông dân tin sẽ có lãi
Anh Đinh Văn Mạnh (làng Ia Peng, xã Ia Sol) là một trong những người liên kết với Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu để trồng 1,7 ha cà tím Nhật Bản. Sau hơn 20 ngày xuống giống, vườn cà đang phát triển tốt, cành nhánh sum suê, bắt đầu ra hoa. “Vườn cà này được doanh nghiệp đầu tư 100% chi phí phân bón, bạt phủ, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, cây giống, tiền cày đất, tiền công từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tổng cộng khoảng 200 triệu đồng/ha. Gia đình tôi chỉ góp đất và bỏ vốn đối ứng ban đầu khoảng 30 triệu đồng/ha, chủ yếu là tiền thuê nhân công trồng, bón phân, lắp đặt hệ thống tưới trước thời điểm cây cà cho thu hoạch. Tất cả các chi phí này đến kỳ thu hoạch bán sản phẩm sẽ được doanh nghiệp trừ dần lại cho gia đình”-anh Mạnh cho biết.
Anh Mạnh thông tin thêm, theo tính toán của doanh nghiệp, đến tháng thứ 3, vườn cà sẽ bắt đầu cho thu hoạch lần 1, năng suất bình quân 3 tấn/ha, giá doanh nghiệp thu mua là 7.000 đồng/kg. Trong 3 đợt thu hoạch đầu tiên, doanh nghiệp sẽ trừ dần cho đến hết số tiền đầu tư 200 triệu đồng; phần còn lại người dân được hưởng để bù vào tiền công đã bỏ ra. Từ lần thu hoạch thứ tư, người dân bắt đầu có lãi, mỗi tháng trung bình 50 triệu đồng. Tính cả chu kỳ của cây cà tím sẽ cho thu hoạch từ 8 đến 12 tháng, trung bình 2 ngày thu một lần, mỗi lần trên 2 tấn/ha, có vườn năng suất cao đạt 3 tấn/ha.
 Vườn cà tím của gia đình ông Nguyễn Hữu Cần (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Ảnh: N.S
Vườn cà tím của gia đình ông Nguyễn Hữu Cần (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Ảnh: N.S
Trong khi anh Mạnh chưa được thu hoạch đợt nào thì ông Nguyễn Hữu Cần (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) đang bước vào vụ thu hoạch lần thứ 3 trên vườn cà tím 1,2 ha. Thời điểm bắt đầu thu là ngày 14-9, chỉ được 45 kg nhưng đến ngày 23-9, sản lượng đã là 1,3 tấn. Từ đó đến hết tháng 10, năng suất cà ổn định. Cứ 2 ngày, ông thu 2,3-2,5 tấn. Tuy nhiên, ở thời điểm năng suất đạt cao, đã bắt đầu có lãi thì vườn cà bị ngập nước kéo dài do ảnh hưởng của bão số 5. Dù đã nỗ lực khắc phục nhưng sản lượng vẫn giảm đáng kể. “Hiện vườn cà của gia đình tôi bắt đầu cho thu hoạch trở lại. Dự kiến trong đợt thu này, gia đình sẽ có lãi vì đã trừ hết chi phí đầu tư ban đầu của Công ty”-ông Cần vui vẻ cho biết.
Chính quyền thận trọng
Theo ông Trần Hữu Đạt-đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu: Người dân tham gia mô hình trồng cà tím Nhật Bản được doanh nghiệp đầu tư mọi chi phí ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân có đất, doanh nghiệp bỏ chi phí đầu tư, chuyển giao kỹ thuật với cam kết đem lại lợi nhuận từ 300 triệu đồng trở lên/ha. “Trong quá trình chăm sóc, vườn cây bị sự cố về dịch bệnh hay thiên tai, chúng tôi sẽ không bắt người dân phải trả lại chi phí đã đầu tư ban đầu. Mức giá thu mua cố định theo hợp đồng đã ký. Trên địa bàn huyện Phú Thiện, chúng tôi đã phát triển được 25 ha, dự kiến sẽ mở rộng diện tích khoảng 60 ha ở các xã: Chư A Thai, Ia Sol, Ia Ake”-ông Đạt cho biết.
Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-xác nhận: Trên địa bàn xã chỉ mới có hộ ông Cần tham gia mô hình trồng cà tím Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời điểm đang thu hoạch rộ thì bị ảnh hưởng bởi bão số 5 nên chưa đánh giá được hiệu quả tổng thể. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi hộ anh Đinh Văn Mạnh ở xã Ia Sol xem kết quả thế nào. Nếu thấy hiệu quả thì mới nhân rộng mô hình này cho người dân trong xã để thay thế dần diện tích trồng khoai lang nhằm tránh rủi ro cho nông dân ở những mùa vụ tới.
Trao đổi với P.V, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Các hộ dân liên kết doanh nghiệp trồng cà tím Nhật Bản theo kiểu tự phát. Phòng đã mời đại diện doanh nghiệp này lên làm việc để tính toán tính khả thi của mô hình, tránh trường hợp như những doanh nghiệp khác trước đây đến địa bàn rồi “đem con bỏ chợ”. Vừa rồi, chúng tôi đã làm việc với người được cho là đại diện của doanh nghiệp này, đồng thời làm biên bản và yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ thủ tục liên quan đến công ty.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho biết thêm: Theo quy định, trước khi doanh nghiệp liên kết với người dân triển khai mô hình trồng cà tím thì phải báo cáo với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để xin chủ trương của UBND huyện có cho phép hay không. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã liên kết với người dân trồng 25 ha cà tím trên địa bàn. Nếu có vấn đề gì gây thiệt hại đến nông dân thì ai đứng ra chịu trách nhiệm? Tuy nhiên, qua xem xét, người dân tham gia mô hình này được doanh nghiệp đầu tư 100% chi phí, dự kiến thu hoạch hết vòng đời cây cà tím thì người dân sẽ có lãi”-ông Quý thông tin.
NGUYỄN SANG

Có thể bạn quan tâm