Chị bạn của tôi mới tham gia làm life coach chừng hơn 1 năm nay, sau khi ngừng công việc giảng dạy ở một trường THCS. Ban đầu, chị chỉ đến để tiếp cận và tìm sự trợ giúp của các huấn luyện viên nhằm cân bằng cảm xúc khi vừa trải qua những bế tắc trong cuộc sống. Càng tiếp cận với những người này cũng như phương pháp của họ, chị thấy mình càng ngày càng đổi thay, từ cách suy nghĩ tích cực hơn cho đến hành động đổi mới bản thân.
Một sự kiện của Gein Academy (ảnh minh họa) |
Còn chị Đỗ Thị Duyên (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) thì cho rằng: Khi cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực thì lời khuyên từ những người có thể gọi là tư vấn viên, huấn luyện viên hoặc cao hơn là chuyên gia là rất cần thiết. Ở đó, huấn luyện viên với kiến thức chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản qua các khóa học do các trung tâm, tổ chức nước ngoài tổ chức sẽ đóng vai trò là người đồng hành, truyền cảm hứng để học viên có cái nhìn toàn diện và tích cực hơn những vấn đề mà bản thân họ đang đối mặt chưa có hướng giải quyết. Những định hướng đó có thể sẽ giúp họ cân bằng giữa cuộc sống và công việc. “Life coach là một nghề rất thú vị mà tôi nghĩ trong tương lai sẽ phát triển rất mạnh”-chị Duyên nói.
Life coach hiện vẫn là một nghề mới, chưa được nhiều người biết đến. Do vậy, trong các buổi huấn luyện thường được các nhóm, các tổ chức thực hiện ở hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Người làm nghề này thường được đào tạo các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu, kỹ năng hướng dẫn, định hướng, tư vấn cho khách hàng, có nhiều kinh nghiệm trong việc truyền đạt. Cũng bởi, life coach sẽ giúp khách hàng khai phá tiềm năng bên trong của họ, tạo nguồn cảm hứng giúp khách hàng tự tin và đủ sức mạnh để vượt qua các thách thức, đạt được mục tiêu của mình. Ví dụ có những chương trình life coach phổ biến như định hướng, đi tìm công việc phù hợp với năng lực bản thân; phương pháp tự chữa lành; tìm hạnh phúc cho bản thân… Từ đó, giúp khách hàng cân bằng được công việc và cuộc sống, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo, nâng cao khả năng giao tiếp, nâng cao hiệu quả xử lý những vấn đề bất trắc trong cuộc sống, có cái nhìn tích cực hơn để cân bằng cảm xúc.
Để đạt chứng nhận là huấn luyện viên, những người làm nghề này phải trải qua một khóa đào tạo do một tổ chức life coach cấp, có lộ trình học tập và lộ trình phát triển nghề nghiệp. Một khóa đào tạo tùy theo cấp độ thường là từ vài chục triệu đồng để được tổ chức cung cấp các công cụ và phương pháp thực hiện. Sau đó, họ dùng công cụ và phương pháp này để truyền đạt lại cho khách hàng của mình.
Life coach không chỉ cung cấp giải pháp cho cá nhân mà còn có thể cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp trong việc định hình phong cách, phát triển và duy trì mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số ngành nghề rất dễ bị biến tướng, trong đó có thể sẽ không ngoại trừ life coach. Vì vậy, mọi người cần tìm đến những huấn luyện viên chuyên nghiệp, có chứng chỉ đào tạo, có kinh nghiệm và đánh giá tin cậy từ khách hàng.