Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lỡ cái hôn đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gió se lạnh mơn man gợi những kỷ niệm mơ hồ. Lạ thật, những biến động tình cảm của tôi sao cứ chọn những ngày gió mùa đông bắc như thế này. Giờ đây, về dự hội trường, cái gì sẽ lại đến với tôi?
 

Tiệc rượu tổ chức tại giảng đường lớn. Vô tình tôi ngồi bên Ngọc, chỗ ồn ào cũng là nơi chuyện riêng có thể bắt đầu. Một bà đeo kính ngồi đối diện với chúng tôi vội rời chỗ chạy vòng lại. Qua vai chúng tôi, bà rót thêm rượu cho đầy hai cốc, một đưa cho tôi, cốc kia dúi vào tay Ngọc, cứ thế nắm cả tay lẫn cốc của chúng tôi kéo sát lại.

 

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân



- Thế... nào! - Bà hóm hỉnh ngửa cổ chờ hai cốc chạm nhau.
 
Tiếng nhạc, hơi men, khói thuốc hòa trong niềm hân hoan.
 
- Em còn nhớ bà ấy chứ? - Tôi hỏi Ngọc.
 
- Chị “Hương kính” phòng giáo vụ.
 
- Hồi em mới vào trường, - Tôi nói rất tự nhiên - chị ấy có nhận xét không tốt về em.
 
Bất ngờ mặt Ngọc đỏ bừng, hai cánh mũi phập phồng, hơi thở hổn hển. Cô hơi lùi lại, ngớ ra nhìn tôi, vừa ngạc nhiên, vừa dò xét.
 
- Thì ra... - Ngọc cười nhạt, cắn môi nhìn xuống, mặt nghiêng về một bên, tái dần đi. - Một là anh đã khinh em, hai là anh rất dốt.
 
Rõ ràng là một lời kết tội, song tôi không giận, còn phụ họa thêm.
 
- Không phải là dốt, mà là ngu!
 
Tiếng nhạc át lời tôi, ai đó toan chạm cốc với Ngọc lại quay sang người khác.
 
*
 
Trước mắt tôi là một người đàn bà đã ngoài bốn mươi, vai gầy trong manh áo bạc màu chùng xuống vì bộ ngực lép xẹp. Còn gì nữa đâu, qua rồi, cái thời đang yêu.
 
Tôi muốn về phố nhỏ năm xưa để lại được gặp Ngọc trong ký ức, phố nhỏ với những cây bàng hiền lành mà cứ mùa mưa bão lại phải phạt bớt cành cho khỏi chạm vào đường dây điện. Những tán bàng rượi mát cả một thời thơ ấu, lá bàng nhuộm xanh mùa hè, nhuộm đỏ mùa đông. Dưới tán bàng ấy có một bà lão mù ngồi bán nước. Chỉ có bà là biết được chúng tôi đã quen nhau như thế nào.
 
Chiều chiều Ngọc ẵm em ngồi dưới gốc bàng bón cơm cho nó. Tôi đâu dám nhìn cô, chỉ quan sát trong cánh cửa kính nhà mình. Cánh cửa ấy lạ lắm, tất cả những cái nó phản chiếu đều đẹp hơn bên ngoài. Cành bàng đu đưa trong gió, cô gái hàng xóm áo tím hoa cà, ẵm em cắp nách, bím tóc thắt nơ như con bướm lượn đuổi sau lưng. Tôi không dám nhìn cô trực tiếp còn vì hai mắt kính đen của bà lão hình như nó tinh hơn mắt người thường.
 
Một hôm bón xong cơm cho em, cô gõ chiếc thìa nhỏ vào thành bát, mắt lơ đãng nhìn, vô tình gặp ánh mắt tôi trong khung kính. Đã bắt được quả tang, nhưng làm như không biết, cô ngoảnh đi khe khẽ hát, chiếc thìa nhỏ vẫn gõ nhịp đều đều. Cô nhìn tôi một lần nữa, trong lúc vục đầu vào bụng em thổi bành bạch, đứa bé giẫy lên cười nắc nẻ.
 
Có lần mẹ tôi sai sang nhà cô hỏi một việc gì đó. Cánh cửa hé mở, cô xuất hiện như một nàng tiên, hai má hồng như thoa phấn, chắc là đang nấu cơm. Mắt cô mở to chờ tôi lên tiếng. Tự nhiên tôi quên mất tên cô. Mở đầu thế nào đây? Chẳng lẽ hỏi: “Mẹ cô có nhà không?”. Tôi chưa quen gọi con gái là “cô” mà “mẹ em” thì lại càng không được. Tôi lúng túng.
 
- Mẹ... mẹ có nhà không?
 
- Mẹ có nhà. - Ngọc phì cười.
 
Tối hôm đó đường phố mất điện nhưng trăng sáng vô cùng. Làm xong một mớ bài tập tôi bỏ ra ngoài hít thở khí trời. Ngọc cũng chưa đi ngủ, cô đứng trước cửa nhà mình, lưng tựa vào tường. Tôi sang chơi, cô vui vẻ nhắc lại chuyện ban ngày. Chợt Ngọc hỏi.
 
- Anh có thích xem truyện không?
 
- Có chứ. - Tôi ra vẻ hào hứng.
 
Cô lùa cánh tay mềm vào khung cửa sổ có những chấn song sắt kéo ra cuốn sách nhỏ đặt vào lòng bàn tay tôi.
 
- Anh đọc đi. - Nói rồi Ngọc chạy vụt vào nhà khép cửa lại.
 
Dưới trăng, tôi nhìn rõ dòng chữ ngoài bìa: “Mối tình đầu”. Chiến tranh phá hoại, mỗi gia đình tìm nơi sơ tán, “Cuộc tình ô mai” thoắt nhớ thoắt quên. Chúng tôi xa nhau ngày nào không rõ. Mùa tuyển sinh, sinh viên cũ đi đón sinh viên mới. Tôi đi bộ từ rừng sâu ra phố huyện. Sinh viên mới từ trên xe tải ôm ba lô nhảy xuống như một đoàn dân công thời chiến. Gặp lại Ngọc giữa cảnh rừng núi hoang vắng sau mấy năm bặt tin, mừng mừng tủi tủi.
 
Sinh viên mới vào chưa học ngay, họ phải lao động xây dựng trường. Tôi hay đến thư viện cạnh lớp Ngọc, chiều chiều lại thấy cô bưng chậu sắt tráng men đầy quần áo xuống suối. Tối thứ Bảy rủ nhau ra phố huyện xem phim, sáng Chủ nhật hẹn nhau đi săn, lên rừng kiếm củi...
 
Một hôm có đoàn khách nước ngoài đến thăm trường, họ muốn được tận mắt thấy sinh viên Việt Nam sống và học tập như thế nào trong những năm chiến tranh ác liệt đó. Lớp nào lớp nấy chuẩn bị sẵn những câu trả lời. Nào là có bao nhiêu sinh viên khá giỏi, bao nhiêu phần trăm tiên tiến... Thế nhưng họ không đả động đến những vấn đề đó, câu hỏi đầu tiên là:
 
- Ở đây họ có yêu nhau không?
 
- Tất nhiên là có. - Chị Hương giáo vụ dẫn đường cho đoàn đỡ lời.
 
Như thế là nhanh trí lắm, vì hàng ngày chỉ lo phát động “ba khoan”, ở lứa tuổi yêu đương, giữa thiên nhiên này mà trả lời “không” thì vô lý quá. Ai ngờ khách lại tò mò hơn.
 
- Có thể cho biết vài trường hợp được không?
 
Thế là ban lãnh đạo lớp, phòng giáo vụ đưa mắt hội ý chớp nhoáng, và họ nêu chúng tôi ra làm thí dụ.
 
Được mấy hôm, chị Hương gặp tôi buồn rầu.
 
- Trường hợp của cậu ấy mà... - chị ngập ngừng - theo tôi thì không nên.
 
- Chị muốn nói về Ngọc? - Tôi hơi ngạc nhiên.
 
- Đúng. Cô ấy có “cầm nhầm” chiếc quần thâm của bạn cùng phòng.
 
- Thế hả chị?
 
- Có biên bản chị mới nhận được.
 
Một buổi trưa yên tĩnh, ở nhà ăn tập thể về thư viện, tôi thấy Ngọc lúi húi giữa hai giá sách cuối phòng đọc. Nhà chật, hai giá sách kê sát nhau đến nỗi khi cần phải nghiêng người lách vào. Vô tình tôi chạm vai cô, Ngọc hít một hơi ngắn và sắc, hình như có thốt lên một tiếng kêu khẽ, mắt nhắm lại chờ đợi. Mái tóc thoảng mùi xà phòng thơm, và... màu đen óng ả, nuột nà của chiếc quần xa tanh mới. Áo Hồng Kông, quần sa tanh, si líp hằn là mốt một thời. Ngọc không đẹp, lần đầu tiên tôi thấy cô không đẹp, hơi thở gấp, tim Ngọc đập mạnh, chỉ một vòng tay thôi, nhưng như có tiếng lòng: “Đừng!”. Phút bẽ bàng trôi qua rất chậm, tiếng ve kêu nghe càng rõ.
 
Tôi còn đi với cô một lần nữa, và đó cũng là lần cuối. Tan buổi chiếu phim ngoài trời, ra cửa soát vé tôi gặp Ngọc. Cô đi một mình, tay cầm chiếc đèn pin. Hình như cô nhận ra tôi trước, nhưng không lên tiếng, cố ý tụt lại đằng sau, tôi gọi. Chúng tôi đi vòng quanh quả đồi. Những người đi xem chắc đã về đến nhà, không còn ánh đèn pin lấp loáng hay những tiếng tranh luận dọc đường, tiếng chó sửa cũng lắng dần, chỉ thấy tiếng côn trùng rỉ rả đâu đó và bước chân lạo xạo của chúng tôi trên cát. Ngọc chờ xem tôi nói gì, mà tôi thì cứ câm như hến. Còn gì để nói nữa? Một chiếc quần thâm, thế thôi. Có tốp người đi ngược lại, lập tức cô hướng pha đèn về phía họ. “Khôn quá”, tôi nghĩ và ấn tượng xấu về cô càng được củng cố. Khuya lắm, gió bấc hun hút thổi, sương xuống lạnh cả hai bả vai, thương Ngọc quá, nhưng tôi nghĩ không còn là của mình nữa.
 
Chờ cho Ngọc thi hết học kỳ tôi mới lại đến nhưng lần này không đi một mình, tôi rủ thêm anh bạn trường Thủy Lợi cũng sơ tán cạnh đấy. Anh đẹp trai và nhiều tài hơn tôi. Không coi thường anh, cũng chẳng khinh Ngọc, tôi chỉ nghĩ giản đơn nếu như mình không biết chuyện đó thì mọi việc vẫn cứ tốt đẹp.
 
Chiến tranh kết thúc, trường lại về Hà Nội. Ký túc xá sinh viên là ngôi nhà ba tầng dựng trên mảnh đất xưa kia có những đống rác quanh ao rau muống bẩn thỉu. Trời mưa đường nhầy nhụa phải đi lom khom, tay túm lấy hai ống quần kéo xếch lên tìm chỗ đặt chân, dép không quai hậu vô ý bước vội, bùn bắn lên tận lưng áo. Nhưng các cô vẫn tự hào, vì chiều thứ bảy, ngày mồng tám tháng ba... các chàng trai Bách Khoa, Tổng Hợp... vẫn đổ xô đến. Trước khi tốt nghiệp, Ngọc kéo tôi lên sân thượng của tòa nhà ấy. Chờ cho mấy cậu năm thứ nhất, quần cộc áo may ô đi xa chút nữa, Ngọc nói thẳng, đượm vẻ khôi hài để được tự nhiên hơn.
 
- Ngày mai em đi lấy chồng...
 
Tôi lặng đi không phải vì bất ngờ mà vì hình ảnh cô gái năm xưa dưới gốc cây bàng lại hiện lên xốn xang một lần nữa.
 
- Em lấy ai?
 
- Lấy cái người mà anh đem đến ấy. Em định không mời anh đâu.
 
- Cám ơn em đã cho biết. - Giọng tôi trầm hẳn xuống.
 
- Em còn nhớ... - Ngọc lại như xa xăm. - lần cuối đi với em, đứng bên nhau đến nửa giờ giữa gió mùa Đông Bắc, em nhớ hình như anh định nói gì lại thôi, và anh lặng lẽ chia tay em... - cô dừng lại nuốt nước bọt - Anh biết không, lúc ấy em vừa thương lại vừa giận. Rồi anh đem người khác đến, em thấy anh tàn nhẫn quá. Nghĩ ngợi rộc cả người, em ốm liệt giường, bạn bè xung quanh ái ngại, ngỏ ý có nên báo cho anh biết không, em cương quyết dù chết cũng không. - Ngọc uất ức, những tiếng cuối cùng lẫn trong nước mắt.
 
Thế đấy, khi định nói thì năm năm, mười năm, hai mươi năm không nói được, lúc không định nói nữa, quên đi hoặc chẳng bao giờ còn có dịp gặp nhau để nói thì lại nói giữa giảng đường lớn trong không khí tưng bừng của ngày hội.
 
*
 
Khu tập thể của Ngọc ở mãi tận ngoại thành, từng đống vật liệu ngổn ngang bên những thùng vôi lớn. Tôi bước lên tấm ván bắc ngang qua móng nhà đào dở. Trời lạnh mà vòi nước vẫn cứ chảy ri rỉ, xô chậu xếp thành dãy dài ngoằn ngoèo. Mấy bà già nhìn khách lạ vẻ dò xét, bọn trẻ lăng xăng chạy ngoài sân. Tôi để ý xem có khuôn mặt nào giống Ngọc chăng? Ngôi nhà bốn tầng mốc mác trong ánh điện mờ, hành lang ám khói, mùi bếp đèn dầu, tiếng người lớn la mắng trẻ con, tiếng xoong chảo, bát đĩa, loa truyền thanh... tất cả đều quen thuộc. Có cái gì đó rất Hà Nội, Hà Nội của những ai quen sống tập thể.
 
Tôi gõ cửa.
 
- Ai?
 
Đúng tiếng Ngọc, nhưng tôi không trả lời ngay. Cô ló một con mắt qua lỗ vuông ở cánh cửa trước khi mở.
 
- Đợi mãi, sao anh đến muộn thế?
 
Ngọc pha trà, tôi bế đứa thứ hai của cô lên, mắt vẫn không rời mẹ nó. Ngang tầm mắt tôi là ảnh gia đình lồng trong khung kính treo tường: Hai vợ chồng, hai đứa con. Trong bộ quân phục, chồng cô đĩnh đạc, trịnh trọng. Tôi hỏi một câu bằng thừa.
 
- Anh ấy đây phải không?
 
- Chứ còn ai vào đấy nữa. - Ngọc đáp.
 
Mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đang ngồi học bài giữa nhà chốc chốc ngoái đầu lại. “Đừng có coi thường chúng, ngày xưa chúng mình cũng ngần ấy tuổi đầu”. Cả hai cùng chung ý nghĩ.
 
- Anh có đoán được đứa nào là con em không?
 
Tôi chỉ ngay.
 
- Đúng như em ngày xưa... - À, cái bà mù đeo kính ấy giờ đâu nhỉ? - Tôi sực nhớ.
Ngọc cười.
 
- Bà ấy mất lâu rồi. Chờ anh hỏi thăm lần nữa thì... (Ngọc muốn nói: “Thì đến em cũng chẳng còn”).
 
Tôi không hỏi tiếp về chồng cô, anh ấy đang công tác ở nước ngoài, thế là đủ rồi.
 
Ngọc giới thiệu căn hộ, giải thích hết cái này cái nọ. Ở một góc cạnh chỗ rửa ráy có một con gà mái nuôi trong cái thùng gỗ hòm, thò đầu mổ vào ống bơ bên ngoài đựng mấy hạt cơm và những cuộng rau muống cắt ngắn. Cô càng háo hức thuyết minh, lại càng thấy nó thiếu vắng một cái gì đó, như bàn tay người đàn ông. Mà sao không thấy chiếc bàn là, cái quạt tai voi mà những người đi nước ngoài thường gửi về?
 
Sau cái ri đô bằng vải hoa là giường ngủ. Hẳn là tối đến cả ba mẹ con thu vào đây. Đầu giường có một chiếc va ly bọc họa báo, kê trên hai chiếc ghế đẩu ghép sát lại.
 
- Em sẽ cho anh xem cái này. - Cô do dự mở nắp va ly - ... mà thôi.
 
Tôi lại gần, mấy ngón tay cô luống cuống vuốt quai va ly, mặt vẫn không ngẩng lên.
 
- Ngọc... - Tôi khẽ gọi.
 
- Dạ?...
 
Một giọt nước mắt rơi trên mu bàn tay cô. Đó mới là thật lòng, còn những gì từ chập tối tới giờ chỉ là xã giao. Tôi nhìn mang tai Ngọc.
 
Thời gian đã cướp đi cái vẻ bề ngoài của người con gái. Nhưng tôi vẫn thấy Ngọc như xưa, thậm chí đậm đà, sâu sắc hơn khi mà người ta hiểu được hạnh phúc không chỉ là sự hấp dẫn bề ngoài.
 
- Nếu ngày đó... - Tôi phá tan sự im lặng.
 
- Đã yêu người ta đâu...
 
Vẫn cái cảm giác đứng giữa hai giá sách ngày nào, tôi nói.
 
- Có một câu tiếng Anh: “Hôn một cô gái là chuyện nhỏ, nhưng bỏ lỡ cái hôn là điều đáng tiếc”. Trong khi giải thích một vài từ, tự nhiên tay tôi tìm đến tay Ngọc. Bàn tay người đàn bà bốn mươi từng vật lộn với đời sống, khô ráp như tay đàn ông. Bàn tay đó không đáp ứng, cũng chẳng rụt lại.
 
- Anh không hiểu.
 
Sao mà mình vô duyên, tự nhiên tôi nổi nóng.
 
- Tạm biệt. - Tôi buông hai tiếng khô lạnh sau lưng cô rồi quay ra.
 
- Anh, anh định đi à?
 
Còn ở đây làm gì nữa? Tôi chòng chọc nhìn vào mắt Ngọc, khiến cô lùi lại một bước trông rất tội.
 
- Em xin lỗi.
 
Tôi quay gót. Tiếng giày nện giữa hành lang khuya. Nhìn cái đầu bướng bỉnh và đôi bờ vai rộng, Ngọc linh cảm: “Thế là hết”. Cô chạy với theo, loạng choạng trẹo cả quai guốc.
 
- Mẹ!
 
Nghe tiếng con cô sững lại.
 
- Trời ơi! - Hai tay bưng lấy mặt, Ngọc ngồi thụp xuống, nức nở.
 
Như lửa bốc trong người, tôi thấy ngột ngạt, nới cúc áo cổ cho gió lùa vào, mình có tàn nhẫn không? Tôi bước nhanh như chạy. Phố vắng, trăng mờ, những cành bàng cuối thu đã vội trút hết lá, trơ ra khẳng khiu. Gió từng cơn tê buốt, gợi trong tôi bao kỷ niệm xót xa. Đêm đó, cũng giá lạnh như thế này, đi bên Ngọc lần đầu tiên tôi nhận ra, không phải bao giờ những cặp tình nhân đi bên nhau cũng chỉ nói điều hạnh phục. Lúc đó tôi lắng nghe bước chân cô, và giờ đây tôi lắng nghe bước chân tôi. Tiếng chổi quét rác im hẳn, những ngọn đèn dầu của các quán nước đầu phố đã tắt ngấm. Tiếng mèo gào trên mái ngói im lìm, hai con chó hồng hộc đuổi nhau mất hút vào bóng tối, tiếng còi tàu đêm nghe khan khan. Tôi bước thật chậm, mong cho đêm đừng tàn, mong đường phố cứ hun hút kéo dài mãi, để nỗi buồn ngấm sâu trong lòng.
 
Thật là lố bịch, tại sao tôi lại cứ muốn làm sáng tỏ cái điều đã đi vào dĩ vãng. Thì ra sự vô tư hàng ngày chỉ là giả dối. Quá khứ đã trôi qua, quá khứ vẫn còn đó. Tôi tìm đến cô đâu phải vì yêu, mà là vì ân hận. Tôi đã đến với bà mẹ hai con ư? Không, tôi đến với cô gái dưới gốc cây bàng năm xưa của tôi. Chính lúc nắm bàn tay Ngọc, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng tôi đã lầm, khi mà người đàn bà đã có gia đình, thì cô gái trong người họ đã chết, và lẽ ra, tôi không nên đến nữa.
 
*
 
- Khéo anh ốm mất.
 
Như có bàn tay đặt trên trán, tôi mơ màng nghe tiếng Ngọc. Đúng là Ngọc, nhưng tôi không nhận ra ngay, hai mắt cô sưng húp như vừa bị ai đánh. Rõ ràng cũng như tôi, cô đã qua một đêm không ngủ.
 
- Em sao thế?
 
Cô không trả lời, thục tay vào túi lưới lấy ra cuốn sổ nhỏ đã cũ.
 
- Anh đọc đi. - Cô mở sẵn một trang.
 
“Ngày... tháng... năm...”, tôi bàng hoàng, đó là những trang nhật ký viết từ 20 năm trước. Cô tả tỉ mỉ lần cuối cùng chúng tôi đi bên nhau. Trong trí nhớ của tôi, khi chia tay cả hai không nói. Nhưng không, cô đã đặt lời tôi trong ngoặc kép: “Chắc Ngọc tưởng anh đã đi yêu người khác... không phải đâu”.
 
Ngọc nhìn mắt tôi để theo dõi tâm trạng và dò xem đã hết trang chưa, xong lật lại mấy trang đằng trước. Đây, câu chuyện chiếc quần thâm:
 
Trời đổ mưa, Ngọc chạy vội về nhà rút chiếc quần xa tanh mới của mình phơi ở ngoài sân. Tối đến có người kêu mất quần. Con bé kêu mất quần khăng khăng nhận quần Ngọc là của nó. Ban lãnh đạo lớp hỏi đặc điểm chiếc quần thì Ngọc lúng túng. Quần mẹ cho đem đi cô chưa mặc lần nào, cô giặt cho “đỡ mới”. Khi họ quay sang nhìn người bị mất, cô ta nói ngay là giây thun bị đứt. Mà đúng là giây thun bị đứt thật.
 
- Sao nó biết?
 
- Thì tay nó cắt chứ còn ai. “Mượn cái kéo không cho mượn thì cho biết tay!”. Sau này chính nó lại nói ra. Nhà em nghèo thì nghèo thật... - Ngọc dằn lại để khỏi bật khóc - Thì ra... cô hu hu như một đứa trẻ - cả anh nữa cũng nghĩ về em như thế!
 
Nói rồi, nước mắt cứ thế chảy ròng ròng. Tôi nghẹn lại chẳng biết làm gì hơn là đợi cho nước mắt của cô vơi đi. Mu bàn tay tôi gạt giọt nước mắt đọng trên sống mũi Ngọc, cô nguẩy đi, nâng vạt áo chấm chấm hai đầu con mắt. Lúc sau, Ngọc ngửa cổ nhìn lên trần nhà cười một mình.
 
- Cũng may, em được anh “đền” cho một người bạn tốt. Buồn cười thật, biết em còn giữ cuốn nhật ký mà anh ấy cũng chẳng nói gì. Hôm qua định lấy ra cho anh xem, giờ thì...
 
Cô giằng lại cuốn nhật ký trong tay tôi, với bao diêm chuẩn bị sẵn, quẹt lửa đốt.
 
- Anh có tin là người chết vẫn còn sống không? - Ngọc nhìn tôi, lửa lập lòe trong mắt như người đang lên đồng. - Chồng em, anh ấy hi sinh rồi, ở biên giới phía Bắc. Em nói đùa thôi, làm gì có chuyện đi Tây đi Tàu. Cô lại cười, xé nốt những tờ khó cháy vo lại thả vào lửa. - Có lẽ anh cho rằng người ta cứ hạnh phúc mới sống được. Không phải đâu, cũng có lúc em đã nghĩ như thế. Nhưng em lầm, người ta vẫn tìm cách bấu víu vào cái gì đó để hi vọng. Nhưng mà hôm nay, cái để em bấu víu đã không còn. Thế mà em cứ nghĩ là anh đã từng yêu em cơ đấy!
 
Gió bấc lùa qua cánh cửa chớp đưa vào trong nhà mùi thơm quen thuộc của nhà máy rượu. Đống tàn giấy lay lay, xoay thành hình vòng tròn rồi như đàn bướm đen đuổi nhau ríu rít lên tận trần nhà. Ngọc thu gọn trong vòng tay tôi tự lúc nào.
 
Tôi đã bỏ lỡ cái hôn của tình yêu đầu đời, để rồi cuối đời nhận lấy cái hôn của tình người. Cổ họng tôi nghẹn đắng, mắt rân rấn nước, mí cố chớp cho tan đi mà không được. Giọt nước mắt nặng cứng to dần lên, rồi rớt trên mái tóc hoa râm của Ngọc, xuống tận chân tóc. Cô ngoan ngoãn như trong giấc ngủ nhưng nước mắt đã thấm qua ngực áo vào da thịt tôi, nóng dần.

 

Đà Lạt 1991 - 2021.
CHU BÁ NAM (Dẫn nguồn LĐ online)


 

Có thể bạn quan tâm