Kinh tế

Nông nghiệp

Loài rau dại bộ đội từng ăn chống đói, nay biến thành cây xóa nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ loại rau hoang dại, giờ đây rau móp không chỉ là đặc sản, quan trọng hơn nó còn là loại rau xóa nghèo cho người dân trên vùng đất Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) trong hành trình xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới.

 

Theo ông Lê Văn Tùng - Trưởng ấp Bốn Phú (xã Trung An, Củ Chi, TP.HCM), địa phương có đến 300 hộ trồng rau móp cho biết, đây là loài rau dại có ở địa phương này từ rất lâu. Trong thời chống Mỹ cứu nước, nhiều bộ đội phải ăn rau móp chống đói. Rau móp mọc ở các bưng biền, ven sông rạch.

"Những năm qua, rau móp không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây giúp nhiều hộ vươn lên khá giả, giàu có. Loại rau này có công lớn giúp địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM)" - ông Tùng thổ lộ.

Rau dại xóa nghèo

Trước đây, người dân tự do hái rau móp ở bưng biền đem bán. Tuy nhiên, khoảng chục năm nay, khi rau móp được thị trường ưa chuộng, các bưng biền có chủ đã được bảo vệ, người dân không được tự do vào hái rau móp.

Để chủ động rau móp bán cho thị trường và tránh việc lượng rau móp tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhiều người dân xã Trung An đã tổ chức trồng rau móp. Tận dụng kênh, mương trong vườn, nông dân nhổ rau móp dại ở bưng biền về trồng.

Từ sáng sớm, ông Hai Sừng (Võ Văn Sừng, ấp Bốn Phú) đã có mặt tại vườn rau móp để thu hoạch rau cho thương lái. Hiện ông đang trồng 2,5ha rau móp. Cứ luân phiên, mỗi ngày ông cho nhân công hái hơn 200kg rau móp. Với giá khoảng 20.000 đồng/kg như hiện nay, trừ công hái ông thu được khoảng 2 triệu đồng.

"Mặc dù là rau dại, sức phát triển tốt, nhưng khi trồng nông dân vẫn được bón phân, phun thuốc cho rau móp. Rau móp khi thu hoạch chỉ lấy cọng non. Mỗi cọng dài từ 30-40cm" - ông Hai Sừng chia sẻ.


 

 Nhân công đang thu hoạch rau móp tại xã Trung An, Củ Chi. Ảnh Trần Đáng
Nhân công đang thu hoạch rau móp tại xã Trung An, Củ Chi. Ảnh Trần Đáng



Nếu rau móp trồng hiện có giá 20.000 đồng/kg, thì rau móp dại mọc ven sông, kênh rạch có giá gấp đôi, bởi cọng to, dài và nhất là rau sạch. Hiện tại, xã Trung An vẫn còn khoảng vài chục người đi hái rau móp dại. Không chỉ người trồng rau móp đổi đời, người hái rau móp thuê cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày.

Anh Võ Văn Vũ, một người hái rau móp thuê cho biết, với công hái 8.000 đồng/kg như hiện nay, chỉ cần hái nửa ngày, anh cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày.

 


UBND huyện Củ Chi đang xúc tiến thành lập hợp tác xã, đại diện cho người dân làm việc với các chợ đầu mối, những nơi tiêu thụ, các nhà bán lẻ để bảo đảm đầu ra ổn định vì cây rau móp đang được nông dân tăng diện tích. Mục tiêu là thành lập nhãn hiệu tập thể riêng cho rau móp".

Ông Lê trí dũng - Chủ tịch UBND xã Trung An


Nằm cạnh vườn rau móp của ông Hai Sừng, ông Nguyễn Văn Thành cũng có vườn trồng rau móp rộng 1,7ha. Hiện ông là Tổ trưởng hợp tác rau móp của xã.

Lão nông này cho biết, rau móp muốn tốt phải trồng dưới tán cây. Loại rau này rất chịu nước ngọt từ sông, hợp với thổ nhưỡng Trung An nên nảy thêm cây con rất nhanh.

Bình quân 1.000m2 mặt nước cây rau móp cho thu hoạch 70kg/tuần, 1 tuần thu 2 lần. Giá bán rau móp tươi hơn 20.000 đồng/kg, rau móp làm dưa có giá 30.000 đồng/kg. Với năng suất và giá bán trên cây rau móp đã đem đến cho người trồng một nguồn thu ổn định.

"Thu nhập bình quân từ rau móp của tôi đạt khoảng 250 triệu đồng/năm" - lão nông này bộc bạch.

Xây dựng thương hiệu

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An Đặng Văn Kên chia sẻ, cả xã Trung An hiện có 40ha rau móp. Bà con trong tổ rau móp chưa bao giờ bị tư thương ép giá vì sản lượng rau chỉ có vài tấn/ngày. "Rau vừa hái lên là bà con trong tổ sơ chế, chia bó và bán ngay, rất đắt hàng" - ông Kên cho biết.

Lá và đọt non của cây rau móp được người dân thu hái để chế biến các món ăn. Đọt non của cây rau móp có thể được dùng để chế biến thành nhiều món, như: Bóp gỏi, luộc, xào, nấu canh chua, nhúng lẩu... Tuy nhiên, vẫn thường thấy người dân dùng để muối chua.

Theo ông Kèn, tiềm năng và giá trị kinh tế mà cây rau móp đem lại cho bà con ở xã Trung An quả thật không nhỏ, nhưng rau móp vẫn chưa được nhiều người biết đến, thị trường chủ yếu ở TP.HCM.

"Cần xây dựng một quy trình trồng bài bản cho loại rau này để bà con có thể áp dụng từ đó xây dựng thương hiệu cho cây rau móp ở Trung An, quan trọng hơn là nâng cao thu nhập gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới" - ông Kèn chia sẻ.

Được biết, Sở KHCN TP.HCM đang cùng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, UBND xã Trung An nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu rau móp Củ Chi.

Song song đó hình thành hợp tác xã sản xuất rau móp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, đào tạo, tập huấn cho nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau móp.

https://danviet.vn/loai-rau-dai-bo-doi-tung-an-chong-doi-nay-bien-thanh-cay-xoa-ngheo-20200612204702525.htm

Theo TRẦN CỬU LONG (Dân Việt)


----------------
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo


 

Có thể bạn quan tâm