Thời sự - Bình luận

Lời thiên nhiên nhắc nhở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Nước lên cao quá, xin cứu lấy cha mẹ tôi...", "Gia đình em tôi gồm một người khuyết tật, ba con nhỏ đang trên nóc nhà..."... những dòng chữ in đậm nháy lên trên màn hình khiến hàng triệu người trắng đêm thao thức.

Một góc làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn từ trên cao khi nước lũ bắt đầu dâng cao trở lại - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một góc làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn từ trên cao khi nước lũ bắt đầu dâng cao trở lại - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


Thêm một vụ núi lở xuống doanh trại quân đội, khi mà lễ truy điệu những người hi sinh trước đó còn chưa kịp cử hành.

Cán bộ xã bị nước cuốn khi đang đi tìm cứu người dân bị cô lập. Đoàn nhà báo vào điểm nóng bị nước lũ chia cắt, đất lở sát sau lưng...

Những bản tin dồn dập như thử thách sự chịu đựng của người theo dõi. Và nước tiếp tục dâng, cao hơn mọi đỉnh lũ trong lịch sử. Dự báo mưa còn trút nước. Dự báo những cơn áp thấp sắp thành bão vào bờ...

Hàng triệu lời cầu nguyện bình an bây giờ không chỉ gửi đến những người dân vùng lũ mà còn phải nhân lên nhiều lần để gửi đến lực lượng quân nhân đang lao vào rốn lũ, tâm điểm sạt lở cứu hộ cứu nạn, gửi đến đoàn thiện nguyện đang len lỏi giữa mênh mông nước lụt, gửi đến người đưa tin tay máy tay viết nối dài ánh mắt, lời nói, nhịp đập con tim cho bao người.

Cơn giận dữ này của thiên nhiên không chừa một ai, như để nhắc nhở rằng không có ai vô can trong việc để thiên nhiên bị tàn phá, bị biến đổi khiến những biểu hiện khí hậu cực đoan ngày càng khốc liệt hơn.

Giữa thảm họa, việc đầu tiên phải làm đương nhiên là hạn chế thiệt hại và xoa dịu nỗi đau, nhưng cũng không còn sớm cho việc đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm, và làm sao để khắc phục.

Người gửi cho nhau những tấm ảnh chụp đoàn xe chở những thân cây gỗ trăm năm đi xuống từ rừng, từ núi. Người am hiểu hơn đi tìm những tấm ảnh vệ tinh chụp chính khu vực bị sạt lở qua nhiều thời điểm, khi rừng còn xanh, khi núi đã trọc. Người sưu tầm cảnh những dãy cột gỗ, những bộ bàn ghế gỗ quý đồ sộ.

Người tìm được hồ sơ, sơ đồ những dự án thủy điện được phê duyệt ở lõi vườn quốc gia, khu bảo tồn, liên tiếp nhau trên thượng nguồn một con sông nhỏ. Người lại đưa ra những bản quảng cáo bán đất sườn đồi làm khu nghỉ dưỡng, phân lô phân tầng làm nhà hóng mát tận hưởng không khí cao nguyên...

Những thực trạng đã được lên tiếng từ lâu, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn. Rừng tự nhiên gần như bị xóa, thủy điện lớn nhỏ giăng mắc khắp các đầu sông.

Tiếng nói bảo vệ thiên nhiên của con người yếu ớt thì lời giận dữ của thiên nhiên càng phát huy sức mạnh. Những bi kịch dồn dập đang nhắc lại một lẽ tất yếu: con người là một phần bé nhỏ của thiên nhiên, vị trí của người là một mảnh ghép hòa hợp với thiên nhiên, vai trò của người là sống đúng phần của mình. Phá hủy thiên nhiên để đạt tham vọng sẽ phải trả lại trong những cơn thịnh nộ của đất trời.

Thiên nhiên không có lựa chọn, vậy nên lời nhắc nhở nghiêm khắc này là dành cho tất cả. Đau lòng hay bức xúc không giữ cho ai được vô can. Ngoài những lời kêu gọi quyên góp trợ giúp, đã có lời kêu gọi bảo vệ rừng, trồng rừng, không dùng đồ nhựa, không dùng gỗ quý. Những cánh rừng sẽ cần thời gian rất dài để xanh lại, nhưng đâu có muộn khi việc giữ gìn này là giữ gìn cho chính con cái chúng ta.

 

 



Theo PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm