Hàng trăm người dân đến Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để trình báo, tố giác hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Công ty Alibaba là điều không quá bất ngờ, bởi lẽ hành vi kinh doanh bất động sản theo kiểu đa cấp của Alibaba từng bị cảnh báo là trước sau gì cũng đổ bể.
Trong ngày 20/9, đã có hơn 500 người từ TP.HCM và các tỉnh thành khác đến PC03 viết đơn trình báo công an. Ảnh: An Huy/zing |
Điều đáng nói ở đây là mặc cho các cơ quan chức năng cảnh báo, người ta vẫn đâm đầu vào mua "đất dự án" do Alibaba phân phối. Họ thừa biết "ném tiền" vào các "dự án" do Alibaba phân phối có khác nào "giao trứng cho ác" nhưng vẫn cứ giao. Theo điều tra ban đầu của công an, có đến khoảng 6.700 người mua đất nền từ dự án "ma" của Alibaba với tổng số tiền lên đến 2.650 tỉ đồng. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi sẽ có nhiều người tiếp tục đến tố giác.
Nhưng với một lượng khách hàng quá lớn và với số tiền "khủng" như vậy, liệu Alibaba có còn đủ tài sản để hoàn trả tiền gốc cho những người đã nộp hay không? Câu trả lời là phải đợi đến khi vụ án được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Từ đây đến khi có bản án có hiệu lực, khách hàng phải chờ đợi, phải hợp tác với các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án mới mong lấy lại tiền. Khả năng nhận lại toàn bộ số tiền đã nộp thật mong manh. Với sự hứa hẹn lợi nhuận sau khi mua đất quá cao, họ đã tự biến mình thành những nạn nhân ngoan ngoãn của anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh.
Tương tự vụ việc Alibaba, cách đây không lâu, báo chí lên tiếng về hàng loạt dự án không có thật của một công ty địa ốc tại TP HCM. Công ty này "vẽ" dự án trên giấy ở các quận Bình Tân, quận 9 để bán cho hàng trăm khách hàng, thu về 700 tỉ đồng. Vẫn với chiêu bài "hợp đồng đầu tư", đặt cọc sớm sẽ nhận được giá ưu đãi, thấp hơn giá thị trường 20% - 30% nên người mua bất chấp tính chất pháp lý của dự án. Khi "xuống tiền" cho công ty này, họ không cần biết dự án có được cấp phép, thẩm duyệt hay không. Có người tham lợi, đặt mua 2-3 nền để rồi cuối cùng ngậm đắng nuốt cay khi chính quyền địa phương cấm giao dịch vì các dự án của công ty này không có thật.
Trước đó, trong lĩnh vực kinh doanh tiền ảo, hàng ngàn người cũng bị sập bẫy chiêu trò huy động lãi suất 48%/tháng của Công ty CP M.T (đóng tại quận 1, TP HCM) tổng số tiền huy động lên đến 15.000 tỉ đồng. Đến giờ, nhiều người tán gia bại sản vì tiền "không cánh mà bay".
Điểm chung của các vụ án lừa đảo là do nạn nhân vừa thiếu hiểu biết pháp luật lại vừa hám lời nên bất chấp. Họ thấy "miếng bánh vẽ" quá "thơm" nên cứ như con thiêu thân lao vào. Có người phải vay mượn, cầm cố tài sản với giấc mơ ngủ một đêm sáng dậy trở thành tỉ phú!
Ước vọng làm giàu là chính đáng nhưng trước khi đầu tư vào những dự án lãi suất cao cần hết sức tỉnh táo, phải hiểu rõ các quy định cơ bản của pháp luật, thực tiễn và quy luật thị trường, đừng "giao trứng cho ác" để rồi tiền mất tật mang.
Nạn nhân của những vụ án như Alibaba thật đáng thương nhưng cũng đáng trách. Chung quy cũng vì một chữ "tham". Mà tham thì thâm!
Lâm Hoàng (NLĐO)