Các học viên của lớp bồi dưỡng tại buổi bế mạc. Ảnh: Lam Nguyên |
Buổi bế mạc lớp bồi dưỡng Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số có sự góp mặt của 34 học sinh các trường THCS, THPT tham gia lớp bồi dưỡng.
Theo đánh giá của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhiều học viên lớp bồi dưỡng được các nhà văn, nhà thơ đứng lớp nhận xét có tố chất, nếu bền bỉ với việc đọc và viết thì có thể phát triển năng khiếu. Sau khóa bồi dưỡng diễn ra 1 tuần (từ ngày 1 đến 7-7) và thời gian các em tự sáng tác, hoàn thiện tác phẩm, đến nay Hội đã nhận được 76 tác phẩm gửi về, tăng hơn gấp đôi so với số tác phẩm của lớp bồi dưỡng năm 2023 (35 tác phẩm).
Các tác phẩm nộp cuối khóa đều giàu cảm xúc, đề tài phong phú. Trong số này có 2 bài đã được chọn đăng trên báo Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh; 2 bài được đăng tải trên bản tin, website của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Một số bài viết chất lượng cũng đang được biên tập và gửi cộng tác đến các báo, tạp chí.
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trao chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng cho học viên. Ảnh: Lam Nguyên |
Phát biểu bế mạc, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét: “76 bài viết gửi về cho lớp là 76 sắc thái của những cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo. Qua các bài viết, các em đã thể hiện tình cảm của mình dành cho cha mẹ, ông bà-những người thân thuộc mà đôi khi cảm xúc chẳng thể diễn giải hết bằng lời. Và cả tình yêu dành cho Pleiku…Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, các em sẽ là đội ngũ kế cận, tiếp nối và giải quyết bài toán khó cho sự “già hóa” của lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh nhà”.
Tại lễ bế mạc, ngoài trao giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành lớp bồi dưỡng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn trao quà cho 11 học viên có tác phẩm chất lượng cuối khóa.