Tây Nguyên mong đợi gì ở lực lượng sáng tác văn học trẻ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Văn học Tây Nguyên đương đại thiếu tác phẩm xứng tầm với những gì vùng đất này đang có. Làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ, đào sâu đề tài dân tộc thiểu số để có những tác phẩm tương xứng với một Tây Nguyên đổi mới, phát triển và giàu bản sắc?

Tâm tư người viết trẻ

“Viết văn trẻ-Văn học Tây Nguyên đương đại” là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Gia Lai phối hợp với Hội VHNT 2 tỉnh Đắk Nông và Kon Tum tổ chức vào cuối tuần qua.

Hội Văn học Nghệ thuật 3 tỉnh Tây Nguyên có nhiều nỗ lực trong phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ. Ảnh: M.C

Hội Văn học Nghệ thuật 3 tỉnh Tây Nguyên có nhiều nỗ lực trong phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ. Ảnh: M.C

Xoay quanh chủ đề văn học Tây Nguyên đương đại, nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai-nhìn nhận: “Nhiều năm qua, Gia Lai vẫn chưa thực sự có những tác phẩm chuyên sâu, chất lượng, tầm cỡ về đời sống và văn hóa của người Tây Nguyên, nhất là những vấn đề then chốt, biến chuyển không ngừng từ thực tế. Do hạn chế về ngôn ngữ, vốn sống nên phần lớn tác giả chưa dám dấn thân với đề tài này”.

Đây cũng là vấn đề chung của văn học các tỉnh Kon Tum và Đắk Nông. Đặc biệt là việc thiếu hụt đội ngũ sáng tác người dân tộc thiểu số nên càng thiếu vắng những tác phẩm mang đậm màu sắc Tây Nguyên.

Người viết trẻ đang gặp khó khăn, trăn trở gì khi viết về Tây Nguyên, về đề tài dân tộc thiểu số? Tác giả Lữ Hồng-Hội viên Hội VHNT Gia Lai-chia sẻ: “Cá nhân tôi nghĩ người viết trẻ nghĩa là còn triển vọng, còn có thể tươi mới được, chứ không phải vịn vào tuổi tác. Tôi cũng đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: Với 1 cây bút trẻ, làm sao có thể nuôi nấng được niềm cảm hứng với văn chương?”.

Trả lời cho câu hỏi này, theo tác giả Lữ Hồng, đó chính là sự tự đánh thức mình và nắm bắt cái tôi khi viết. Chẳng hạn sau khi đọc 1 cuốn sách hay, xem 1 bộ phim nhân văn, tiếp chuyện với 1 người thú vị… bản thân chị luôn thôi thúc phải ngồi xuống và viết, trăn trở để có 1 tác phẩm hay, ấn tượng và đầy nhân văn.

“Tôi cũng luôn trăn trở làm sao giữa cuộc mưu sinh này, tôi và những tác giả trẻ khác có đủ thời gian chú tâm để viết ra 1 tác phẩm hay, mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở Tây Nguyên, quê hương mình”-Lữ Hồng giãi bày.

Tác giả Lữ Hồng bày tỏ những trăn trở của một người viết trẻ trước hiện thực cuộc sống. Ảnh: Minh Châu

Tác giả Lữ Hồng bày tỏ những trăn trở của một người viết trẻ trước hiện thực cuộc sống. Ảnh: Minh Châu

Tác giả Nguyễn Thanh Thúy-Hội viên vừa được kết nạp vào chuyên ngành Văn học của Hội VHNT Gia Lai đầu năm 2024-cho biết: "Khi tôi đau đáu, dồn hết suy tư, tình cảm của mình vào tác phẩm và thể hiện được điều đó, cảm giác rất thỏa mãn và hạnh phúc. Khi còn nuôi dưỡng đam mê, tôi còn yêu văn chương.

Đối với mảng đề tài văn học dân tộc thiểu số, tôi nhớ nhà văn Cao Duy Sơn từng nói đại ý rằng, tại sao vùng văn hóa khác có những cây bút rất xuất sắc như Đỗ Bích Thúy ở miền Bắc hay Nguyễn Ngọc Tư ở miền Nam. Nhưng ở Tây Nguyên với di sản văn hóa rất đặc sắc thì lại chưa khai thác được, chưa có những người viết xuất sắc. Đó là điều bản thân tôi và nhiều người viết trẻ đau đáu. Tôi nghĩ, chúng ta phải thực sự dấn thân hơn nữa, suy nghĩ, trăn trở hơn nữa, đào sâu nhiều lớp điều mình tưởng đã hiểu rồi để có những tác phẩm tương xứng với tiềm năng, vẻ đẹp, giá trị của vùng đất này”.

Còn nhà văn Đào An Duyên-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Gia Lai thì chia sẻ: “Những năm qua, chúng tôi không lơ là hoạt động sáng tạo. Chúng tôi vẫn nuôi dưỡng đam mê, có ý thức trách nhiệm với nghề, cẩn trọng và chỉn chu trong mỗi tác phẩm công bố. Cá nhân tôi đang đi dạy để lấy tiền nuôi thơ. Số tiền bỏ ra để in được tập thơ không nhỏ so với đồng lương giáo viên. Nếu không đam mê thì không thể làm được. Chúng tôi mong chờ sự xuất hiện trở lại của Tạp chí Văn nghệ Gia Lai để các tác giả chuyên ngành Văn học nói chung và người viết trẻ nói riêng có cơ hội được xuất hiện, được nhiều người biết đến tác phẩm”.

Phát hiện, bồi dưỡng tài năng

Thiếu cả lượng và chất là tình hình chung của chuyên ngành Văn học 3 tỉnh tham gia buổi tọa đàm. Ngoài đội ngũ hiện có, việc phát hiện, bồi dưỡng thế hệ viết văn trẻ, giúp họ đi đến tận cùng đời sống Tây Nguyên, có những tác phẩm xứng tầm với đời sống đương đại là yêu cầu cấp thiết.

Theo nhà văn Thu Loan-nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai: “Trong lĩnh vực văn chương, dù tác giả có chức vụ, danh hiệu gì thì cũng mờ nhạt trước tác phẩm. Vì vậy, những người viết trẻ không nên áp lực mà hãy viết càng nhiều càng tốt. Càng viết sẽ càng hiểu rõ mình, biết thế mạnh, “cái tạng” viết của mình là gì. Song song với đó, cần đọc nhiều, đi nhiều, quan tâm nhiều tới đời sống của người dân. Dấn thân vào con đường sáng tạo phải tự nuôi dưỡng niềm đam mê và kiên trì với sáng tạo. Chỉ như vậy mới có được thành quả xứng đáng”.

Những chuyến đi trải nghiệm thực tế giúp đội ngũ sáng tác trẻ tích lũy thêm kiến thức, vốn sống để đưa hơi thở cuộc sống vào tác phẩm. Ảnh: Phương Duyên

Những chuyến đi trải nghiệm thực tế giúp đội ngũ sáng tác trẻ tích lũy thêm kiến thức, vốn sống để đưa hơi thở cuộc sống vào tác phẩm. Ảnh: Phương Duyên

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (Hội VHNT Kon Tum) đánh giá cao cách làm của Hội VHNT Gia Lai trong việc tổ chức trại sáng tác, tọa đàm, gặp gỡ, lớp bồi dưỡng viết văn trẻ để phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác. Theo kinh nghiệm của bản thân, nhà thơ Tạ Văn Sỹ cho rằng lúc “trà dư tửu hậu” nói chuyện văn chương có thể mang lại kết quả không ngờ. Gặp nhau “trà đá vỉa hè” đưa nhà văn này, tác giả kia ra bàn thảo về bút pháp, văn phong, chủ đề sáng tác của họ sẽ rất hữu ích.

Ông ví dụ nhà văn Cao Duy Sơn từ xưa tới giờ chỉ viết những đề tài về vùng đất Cô Sầu-quê hương Cao Bằng của mình. Thế nhưng “đem đến cho người đọc mảng sống đậm đặc, tươi ròng về những con người miền núi” chính là nhà văn Cao Duy Sơn. Hay tác giả Nguyễn Ngọc Tư, địa hạt sáng tạo với miền Tây Nam Bộ, với quê hương Cà Mau nhưng là nhà văn rất thành công.

Từ đó, nhà thơ Tạ Văn Sỹ nhắn nhủ lớp trẻ: “Các bạn hãy khai thác con người, văn hóa, lịch sử của khu vực Tây Nguyên trước khi tìm tòi đề tài ở xa. Bởi lẽ, Tây Nguyên như vỉa quặng quý giá, có những vẻ đẹp lấp lánh chưa được khai thác. Tôi biết nhiều bạn ban đầu viết ngô nghê, thậm chí viết tự nhiên chủ nghĩa, nhưng không sao cả. Hãy mạnh dạn đến với Hội VHNT, tìm đến những người viết địa phương để học hỏi. Chúng tôi cũng rất muốn gặp những người viết trẻ như vậy để trao đổi, tư vấn, bồi dưỡng”.

Về giới thiệu, công bố tác phẩm mới, nhà báo Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai, hội viên Hội VHNT Gia Lai-cho rằng, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai đình bản nhiều năm qua là thiệt thòi lớn cho các tác giả. Để hỗ trợ người viết đưa tác phẩm mới đến với bạn đọc, những năm qua, Báo Gia Lai có một số chuyên mục giới thiệu. Trong khi chờ tạp chí chuyên ngành xin được giấy phép xuất bản, nhà báo Đoàn Minh Phụng mong muốn Báo Gia Lai tiếp tục làm cầu nối đăng tải tác phẩm để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo của tác giả trẻ.

Một số đại biểu như Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng Gia Lai, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-nguyên Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai lưu ý tác giả trẻ viết về đề tài dân tộc thiểu số có hướng tiếp cận phù hợp, tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống Tây Nguyên đương đại. Qua đó, đưa văn học Gia Lai, Tây Nguyên tiến xa hơn, có nhiều tác phẩm tương xứng với lịch sử, truyền thống, văn hóa vùng đất này.

Có thể bạn quan tâm