(GLO)- Một chút gió bấc mưa phùn hôm nay gợi cho tôi nhớ những đêm lồng lộng gió ở trường làng Ka, làng Nái (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) 20 năm về trước. Rồi thấy mình cũng cuốn theo những hân hoan với biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của nghề dạy học, đặc biệt nhớ về những đêm thao thức với công tác dạy bổ túc ở trường làng.
Ngày ấy, địa phương tôi công tác có tới hơn 90% học sinh là người Jrai, Bahnar. Đời sống kinh tế khó khăn, sự nghiệp giáo dục nơi đây cũng còn nhiều gian nan, vất vả. Những buổi học trên lớp thiếu vắng học sinh vì các em còn bận lên nương rẫy, công tác đảm bảo duy trì sĩ số phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi, những giáo viên trẻ mới ra trường đầy nhiệt huyết “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh và có biện pháp vận động phù hợp.
Ngôi trường nằm chênh vênh phía lưng chừng đồi, gió lồng lộng thổi. Nhưng đêm đêm luôn sáng đèn rọi vào bài học mới cho những học sinh chỉ buổi tối mới có thời gian học bài. Đêm ở trường làng càng thêm giá lạnh. Các em quét lá hun khói ở sân trường, kể cho nhau nghe về một ngày làm việc ở rẫy nương trước khi vào giờ học. Mối quan hệ thầy-trò thân thiết, gắn bó từ những điều bình dị nhất. Quà của ngày lễ Hiến chương Nhà giáo có khi là những bó hoa dã quỳ rũ ra vì gió, có khi là nắm nếp nương thơm nồng, đôi lúc là những củ khoai lang hun trong khói lửa sân trường, mà sau buổi học, cô trò chia nhau xuýt xoa những đốm tươi hồng. Với những cô cậu học trò lớn tuổi thích ca hát phóng khoáng với bạt ngàn gió núi hơn là thích viết những con chữ nhỏ bé trong sách vở ấy thì những buổi lên lớp của cô trò cũng phải linh hoạt, thích ứng theo cho phù hợp với tình hình địa phương. Những đêm ở trường làng ấy quyến luyến trong từng bước trưởng thành của thầy và trò. Nụ cười hào sảng, những tiếng đàn vang núi giúp tôi quên đi tất cả vất vả của chặng đường bụi bặm mùa khô, lầy lội mùa mưa. Sự thiếu thốn nghèo nàn của thư viện trường làng càng hối thúc các thầy cô tìm cách liên hệ xin hỗ trợ từ những nhà hảo tâm để bổ sung sách vở và đồ dùng học tập cho học sinh. Những thiệt thòi của học sinh không được tới lớp vì ban ngày bận lao động cực nhọc càng xoáy vào lòng thầy cô yêu trò như yêu con, cố gắng bù đắp cho các em bằng lời giảng dễ hiểu, thân tình, gần gũi nhất. Lứa học trò bổ túc năm ấy giờ đã trưởng thành, có ai ngồi nhớ lại mùi khói hun ấm sân trường, mùi khoai nướng, bắp nướng và đốm lửa hồng lóe sáng đêm lạnh ấy không?
Một tiết mục văn nghệ trong giờ sinh hoạt của cô trò Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Hồng Phúc |
Trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục có nhiều thay đổi trong kế hoạch dạy học vừa để đảm bảo chương trình giáo dục lại vừa thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch tại địa phương. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku tổ chức dạy học trực tuyến được nhiều ngày, công tác dạy học trực tuyến đã đi vào ổn định. Sẽ có những băn khoăn về phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, phong trào hoa điểm mười, các phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay sẽ tổ chức trực tuyến như thế nào? Trong lòng người dạy, người học sẽ ý thức và hành động ra sao để thể hiện lòng biết ơn, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta? Có lẽ ai cũng mong mình được nhận bông hoa chân tình, cái ôm thắm thiết và lời chúc có thể vụng về nhưng ánh mắt yêu thương hơn là những sticker lung linh và những tin nhắn chúc mừng được coppy trên mạng xã hội. Lúc gần nhau thì con người thường lãng quên nhau, đôi khi còn vô tình làm đau lòng nhau, nhưng lúc xa nhau thì mong gặp gỡ và tự hứa với lòng mình sẽ ân cần, yêu thương nhau hơn.
Hôm nay, ngồi với những trang-thiết bị hiện đại của lớp học trực tuyến, với căn phòng ấm áp hương cà phê và kho tàng kiến thức chỉ cần gõ tra vào trang Google là có, nhìn những gương mặt tươi rói nói cười nhưng không chạm vào nhau được, tôi chạnh lòng nhớ về những ngày tháng cũ, ngày tháng dạy học ở trường làng, đêm đêm đốt lửa xua cái giá lạnh mùa đông, có khi là những nhịp xoang rộn ràng rồi ôm nhau cười vang. Mùa này, dã quỳ tươi rói, các em có làm thành những vòng hoa đội lên đầu và đến lớp như xưa?
Dẫu biết rằng, rồi chúng ta sẽ thích nghi với hoàn cảnh để sống và học tập. Mỗi thời điểm khác nhau, hình thức học khác nhau đều có ưu điểm, có nhược điểm. Ai ai rồi cũng thích ứng với tình hình thực tế nhưng ai ai cũng mong đại dịch sớm qua mau để các hoạt động trở lại bình thường. Sắp tới Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng nghiệp của tôi, học trò khắp mọi nơi đều đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng. Tôi cũng hân hoan và thêm một chút bâng khuâng trong một mùa lễ hiến chương mới, mong vào những điều tốt đẹp sẽ luôn bên nhau.
THUẬN ÁNH