Lớp xóa mù chữ ở trại giam Gia Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 10 năm qua, những lớp xóa mù chữ tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) vẫn được đều đặn duy trì, tổ chức dành cho các phạm nhân. Nhận ra lỗi lầm, được dạy nghề, dạy chữ, các phạm nhân có điều kiện tốt nhất để hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Trại giam Gia Trung đứng chân trên địa bàn huyện Mang Yang, tiếp giáp với các xã: Đak Ta Ley, Ayun, Đak Jơ Ta. Đây là nơi chấp hành án phạt của hàng ngàn phạm nhân trong và ngoài tỉnh, trong đó có một bộ phận không nhỏ phạm nhân hoàn toàn không biết chữ hoặc chưa xong phổ cập giáo dục tiểu học. Chính vì vậy, hơn 10 năm qua, Trại giam Gia Trung đã phối hợp với Trường Tiểu học Đak Ta Ley (phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang) mở từ 2 đến 3 khóa học mỗi năm để dạy chữ cho các phạm nhân.
 Cán bộ trại giam tận tình giúp đỡ các phạm nhân tham gia lớp học. Ảnh: H.P
Cán bộ trại giam tận tình giúp đỡ các phạm nhân tham gia lớp học. Ảnh: H.P
Đại tá Nguyễn Đình Ba-Giám thị Trại giam Gia Trung-cho biết: “Hiểu biết pháp luật và nhận thức của đa số phạm nhân rất hạn chế, một phần là do không biết chữ. Vì vậy, Ban giám thị Trại thường xuyên tổ chức những lớp học xóa mù chữ cho họ. Chung quy cũng do trình độ văn hóa, trình độ nhận thức thấp nên các phạm nhân mới đi vào con đường phạm tội. Những lớp xóa mù mở ra nhằm giúp phạm nhân biết đọc, biết viết để có thể đọc sách báo, viết thư gửi về cho gia đình và dần nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết để sau khi ra trại làm lại cuộc đời. Hàng năm, trại mở khoảng 2 khóa, mỗi khóa có từ 50 đến 100 học viên. Sau khi tham gia lớp học, học viên đều được cấp chứng nhận phổ cập tiểu học”.
Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ quản giáo, học viên lớp xóa mù tập đánh vần, luyện từng nét chữ đầu đời. Lớp học là một hội trường với không gian rộng rãi và thoáng mát. Nhiều phạm nhân đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn miệt mài học tập với mong muốn nhanh chóng biết viết, biết đọc, biết tính toán đơn giản. 
Bị kết án 15 năm tù do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, phạm nhân Bùi Văn Ặm (dân tộc Mường, SN 1970, trú xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) tâm sự: “Do không biết chữ, nghe lời của những đối tượng xấu nên tôi đã vi phạm pháp luật và giờ phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã gây ra. Khi vào đây tôi vừa cải tạo vừa được các cán bộ dạy chữ. Vừa rồi tôi viết thư gửi về cho gia đình, hứa sẽ cải tạo tốt để sau này có thể lập nghiệp, dựa vào sức mình, không đi lầm đường, lạc lối như trước nữa”.
Phạm nhân Y Linh Niê (dân tộc Ê Đê, SN 1991, trú xã Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak) thì bị kết án 16 năm tù do cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. “Em vào đây từ tháng 5-2014. Từ nhỏ em không biết chữ nên đi làm giấy tờ toàn phải điểm chỉ thôi. Được cán bộ dạy học, giờ em đã biết viết, biết đọc. Em sẽ cố gắng cải tạo tốt để chuộc lại lỗi lầm”-Y Linh Niê trải lòng. Còn phạm nhân Nguyễn Thu Thủy (quê Phú Yên, bị kết án 7 năm tù do vận chuyển trái phép chất ma túy) thì cho hay: Lúc nhỏ nhà nghèo nên Thủy không được đi học. Năm 18 tuổi, Thủy lấy chồng. Cuộc sống nghèo khó, để có tiền nuôi con nhỏ, Thủy và chồng đã nghe theo bạn bè vận chuyển ma túy. 2 lần trót lọt, vợ chồng Thủy ngày càng lấn sâu. “Vào đây được học cái chữ, tôi đã hiểu ra hành vi vi phạm pháp luật của mình. Bây giờ hàng tháng tôi sẽ viết thư về báo cho gia đình biết tình hình và cố gắng cải tạo thật tốt để nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm trở về gia đình chăm sóc con nhỏ”-Thủy nói.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Lê Văn Thế-cán bộ trực tiếp giảng dạy cho các phạm nhân trong trại-chia sẻ: Hơn 10 năm qua, trại đã dạy hàng ngàn phạm nhân học văn hóa, học nghề nhằm giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng khi mãn hạn tù. Riêng năm 2019, trại tổ chức xóa mù chữ cho 61 phạm nhân. Ngoài ra, đơn vị còn mở các lớp dạy nghề cho phạm nhân như: đan lát, thêu, mộc, thợ nề, hàn, sửa máy nổ... để giúp họ sau này có nghề tự nuôi sống bản thân và gia đình.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm