Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Lũ buồn hoang" - Nỗi buồn sân ga đời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có những câu thơ khiến chúng ta cảm thấy xốn xang, nhưng cũng có những câu thơ như một cú lay tỉnh.
Sinh thời nhà thơ Lê Đạt tự nhận mình là người "phu chữ", bên cạnh việc sáng tác thơ, ông còn viết tiểu luận và đoản ngôn. Năm 2009, một năm sau khi nhà thơ Lê Đạt mất, Công ty sách Bách Việt và NXB Hội Nhà văn đã in cho ông một tuyển tập thơ lấy tên là "Đường chữ". "Bóng chữ ngã dài trên đường chữ" cũng là buổi tọa đàm về tập thơ này, hay nói đúng hơn là về cả một đời thơ Lê Đạt.
Có thể nói, ngoài thơ, tôi đặc biệt thích những đoản ngôn của Lê Đạt. Đó là những câu ngắn ghi lại những điều ngộ đạo. Nó như những ám hiệu mang tính gợi mở cho người sáng tạo.
Và nay, thật thú vị, tôi lại bắt gặp những đoản ngôn hay được xem là "những ghi chú rời rạc" trong tập thơ "Lũ buồn hoang" của nhà thơ trẻ miên di (lưu ý: tác giả chọn cách không viết hoa bút danh của mình) - NXB Hội Nhà văn, 2019.
Nếu như những đoản ngôn trong thơ Lê Đạt hầu hết là những khúc xạ từ thơ, những đắc ngộ về sáng tạo thì những ghi chú rời rạc của miên di mở rộng biên độ từ thơ cho đến vô tận của đời thường.
Dường như đoản ngôn nào của miên di cũng khiến tôi ngạc nhiên, thích thú: "Hoa đẹp vì hồn nhiên, tử tế cũng vậy"; "Đàn ông, sau khi bị phụ nữ hạ gục rồi mà cứ ngỡ mình bắt đầu tấn công"; "Tình yêu cũ như bài hát, người ta có thể quên lời, nhưng giai điệu thì không"; "Đời đẹp như một bài thơ cay đắng"…
Có lẽ thế mạnh của miên di là viết những câu ngắn. Theo tôi thì những bài thơ ngắn của miên di cũng "đã" hơn những bài thơ dài.
"Gói sao được vệt khói mờ/ khi cầu an lạc là thờ khổ đau". (Gói khói)
"Sống đi, rồi hiểu được rằng/ hột xoàn không quý bằng răng của mình". (Hột xoàn & răng)
"Tình yêu không có bảo hành/ lấy về có hỏng cũng đành thương nhau. (Bảo hành)
"Làm sao làm ướt cơn mưa nhỉ/ lắm chuyện nhân gian chẳng lẽ cùng. (Lẽ cùng)
 
Đấy là những câu thơ đột hiện, một kiểu flash fiction (tia chớp), tức là tia chớp trong ý nghĩ cũng như trong cảm xúc. Những câu thơ không phải được viết ra từ những đầu ngón tay mà bằng hơi thở. Cũng có thể gọi là trực giác tâm linh. Có những câu thơ khiến chúng ta cảm thấy xốn xang, như đứng trước những dao động sóng vòng tròn. Nhưng cũng có những câu thơ như một cú lay tỉnh, một công án thiền: "Làm sao làm ướt cơn mưa nhỉ/lắm chuyện nhân gian chẳng lẽ cùng". Quả thật, "làm sao làm ướt được một cơn mưa?", cũng như không phải cái gì ở thế gian này cũng có thể xét lý lẽ đến tận cùng.
Tôi cho rằng chỉ cần với hai câu thơ này thôi, đã có thể khát quát được tinh thần thơ miên di. Đó là thứ ngôn ngữ thơ mộc, là những gì được chắt lọc sau những tạp nham tưởng chừng vô tận của trần thế này. Trong một đoản ngôn, Lê Đạt trình bày: "Hài hước là phép lịch sự của thất vọng. Và, tiếng cười có thể là cách xin lỗi của nước mắt".
Tôi đặc biệt không ưa những gán ghép. Nhưng qua tập thơ "Lũ buồn hoang", tôi nghĩ những điều này thật đúng với miên di. Ngay cả những khi thất vọng nhất, đau đớn nhất thì miên di vẫn chọn cách hài hước nhất, để sống và để tỏ bày. Và, thay vì nước mắt, thi sĩ chọn nụ cười, dẫu có khi là chua chát: "Đã trên được cả mây trời/vẫn phải đi những đường bay của người". (Tâm sự với cái máy bay).
Thi sĩ, nói một cách nào đó, như một người "chăn nỗi buồn", nhưng miên di không chăn mà cứ để nỗi buồn đi hoang. Và, đó không phải là những nỗi buồn đinh ninh, đó là những nỗi buồn chộn rộn, nỗi buồn như lũ trẻ, nỗi buồn hoang hoải như những sân ga đời.
"Sân ga chôn giấu một điều/càng đông càng chất chứa nhiều phân ly". (Tâm sự với sân ga) 
TRẦN NHÃ THỤY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm