Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Lũ lớn đe dọa vựa lúa ĐBSCL

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, nhiều khả năng vượt báo động 3 sớm hơn so với dự báo ban đầu. Trước tình hình trên, các địa phương đầu nguồn đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.

Tối ngày 22-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản hệ thống đê bao bảo vệ hơn 130.000ha lúa vụ 3 của tỉnh đã được gia cố an toàn. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ, chủ động bơm chống úng; nhất là các diện tích mới sản xuất lúa vụ 3 ở đầu nguồn, ven sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên đang được thực hiện nghiêm ngặt. Đồng thời, tổ chức tốt các điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh đến trường an toàn; di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở khẩn cấp.

Lực lượng chức năng đang gia cố tuyến đê bao 957 huyện Châu Phú, An Giang. Ảnh chụp ngày 22-9.
Lực lượng chức năng đang gia cố tuyến đê bao 957 huyện Châu Phú, An Giang. Ảnh chụp ngày 22-9.
Theo ông Phạm Văn Lê, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, ngay sau khi mở đập xả lũ Tha La và Trà Sư, mực nước vùng Tứ giác Long Xuyên lên nhanh, nhất là huyện Châu Phú.


Tại Đồng Tháp, do tiến độ thi công một số đê bao chậm, nhiều đoạn đê, đập còn thấp, có khả năng sạt lở nên trên 14.736ha lúa thu-đông đang bị lũ đe dọa, tập trung ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Lấp Vò. Theo ông Nguyễn Chi Lăng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng, mực nước đo được vào sáng 22-9 tại thị trấn Sa Rài (Tân Hồng) là 4,56m, cao hơn 1,54m so với đỉnh điểm mực nước cao nhất năm 2010 làm đê bao bảo vệ hàng ngàn hécta lúa thu-đông có nguy cơ bị sạt lở.

Khu đê bao 400ha thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A được xem là điểm nóng xảy ra sạt lở. Nước lũ bên ngoài đang ngấp nghé đê bao, trong khi có một số đoạn rất yếu. Nguyên nhân, tuyến đê bao mới thi công một số đoạn còn thấp. Ngoài 400ha nói trên, toàn huyện Tân Hồng còn khoảng 2.250ha tập trung ở các xã Tân Phước, Thông Bình, Tân Hộ Cơ… cũng có nguy cơ bị lũ nhấn chìm do sạt lở đê bao.

Trong khi đó, mực nước ở các huyện vùng đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng tiếp tục lên nhanh từ 2 - 3cm mỗi ngày. Cùng với tình trạng mưa lớn trên diện rộng đã gây ra triều cường và đe dọa hơn 90 điểm trong toàn tỉnh có thể bị sạt lở. Chính vì vậy, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trọng điểm tại các huyện đầu nguồn đã bị ngập nước.

Nhiều tuyến đường nông thôn đã ngập trong nước lũ.
Nhiều tuyến đường nông thôn đã ngập trong nước lũ.
Tuyến đường huyết mạch trên địa bàn ấp Phú Trung xã Phú Thuận B huyện Hồng Ngự đã được đầu tư sửa chữa từ đầu mùa nhưng nay đã bị ngập gây ách tắc giao thông. Tại huyện Tân Hồng, hệ thống đường giao thông nông thôn kiêm đê bao bảo vệ lúa đang bị xói mòn, nguy cơ sạt lở cao.


Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, hiện trong tỉnh đã có 5 điểm trường ở thị xã Hồng Ngự và 1 điểm trường ở huyện Hồng Ngự phải cho học sinh nghỉ học vì bị ngập do lũ. Tại Trường Tiểu học Bình Thạnh (xã Bình Thạnh), do ảnh hưởng mưa liên tiếp trong mấy ngày qua cộng với nước lũ lên nhanh gây ngập sâu đoạn đường dài khoảng 2km dẫn vào trường và sân trường. Trước tình hình trên, nhà trường đã thông báo cho học sinh từ lớp 1- 3 tạm nghỉ học.Bốn trường mẫu giáo trong thị xã cũng phải đóng cửa vì tình trạng lớp học bị ngập nặng.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm