Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ: Tư vấn pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- * Bạn đọc N.V.T. hỏi: Lúc nhỏ, tôi rất khó nuôi. Khi tôi được 3 tuổi thì cha mẹ đã cho tôi làm con nuôi một người em của mẹ, tức là dì của tôi. Dì có làm giấy và các thủ tục nhận con nuôi đầy đủ theo quy định.

Năm 2022, dì tôi qua đời. Dì có để lại di sản là căn nhà và thửa đất có diện tích trên 5.000 m2. Năm 2023, cha mẹ tôi mất và cũng để lại tài sản thừa kế là căn nhà và diện tích đất trên 10.000 m2. Cha mẹ tôi có 3 người con. Cả dì và cha mẹ tôi đều không để lại di chúc. Vậy tôi có được hưởng thừa kế theo quy định đối với di sản của dì và cha mẹ ruột tôi hay không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010, mẹ nuôi của bạn đã đăng ký nuôi con nuôi hợp pháp nên phát sinh đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con, trường hợp mẹ nuôi của bạn chết không lập di chúc hợp pháp, di sản sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật không hạn chế quyền thừa kế của người đã được nhận làm con nuôi của người khác đối với cha mẹ đẻ của mình. Khi đó, người được nhận làm con nuôi vừa có quyền nhận thừa kế từ cha mẹ nuôi, vừa có quyền nhận thừa kế từ cha mẹ đẻ.

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết được ưu tiên hưởng thừa kế. Bởi vậy, khi đã được nhận làm con nuôi của người khác thì người này hoàn toàn có quyền được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ đẻ theo như các quy định nêu trên.

Theo quy định của pháp luật thừa kế Việt Nam, con nuôi cũng có đầy đủ quyền thừa kế như con ruột. Trường hợp cha mẹ nuôi chết và không để lại di chúc thì di sản thừa kế của cha mẹ nuôi sẽ được chia cho những người thừa kế theo Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế theo thứ tự về hàng thừa kế được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, bạn cùng là hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản của mẹ nuôi và của cha mẹ ruột nên hoàn toàn có quyền hưởng di sản thừa kế.

Theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc”.

Có thể bạn quan tâm