Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật trả lời bạn đọc N.T.V.A. (TP. Pleiku)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bạn đọc N.T.V.A. (TP. Pleiku) hỏi: Tôi có chồng là anh H.V.H. Tôi và anh H. có với nhau một con chung là cháu H.V.T. (15 tuổi). Anh H. bị bệnh mất vào đầu năm 2023. Trước lúc mất, anh H. có lập di chúc để toàn bộ di sản lại cho T.T.L. (là con riêng của anh H. với vợ trước). Cả cha và mẹ ruột của anh H. đều chết trước anh H. Anh H. cũng không có cha mẹ nuôi hay con nuôi nào khác. Vậy tôi và con tôi có được hưởng thừa kế di sản của anh H. không?

Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Thứ nhất, nếu toàn bộ tài sản anh H. lập di chúc để lại cho L. thuộc quyền sở hữu riêng của anh H. thì chị và cháu T. vẫn được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cụ thể, những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.

Trong trường hợp này, trước tiên, chị nên gặp L. và mẹ của L. để trao đổi thỏa thuận giải quyết nhằm giữ hòa khí gia đình vì dù sao đi nữa thì L. và cháu T. cũng là máu mủ ruột rà, cùng là con ruột của anh H. Nếu hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung thì chị có thể yêu cầu hòa giải cơ sở để hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết tranh chấp theo quy định. Nếu các bên vẫn không thể thỏa thuận được với nhau thì chị có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp di sản thừa kế theo quy định.

Tuy nhiên, để được hưởng phần di sản trên thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Không từ chối nhận di sản;

- Không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản.

Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những người không được quyền hưởng di sản bao gồm:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Thứ hai, nếu tài sản mà anh H. lập di chúc để lại cho L. là tài sản chung của vợ chồng chị thì di chúc chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản của anh H. và vô hiệu đối với phần tài sản của chị. Chị có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng cùng với yêu cầu chia thừa kế như đã phân tích ở trên.

Có thể bạn quan tâm