Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về lối đi qua phần đất của người khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
*Bạn đọc T.C.A. (thị xã An Khê) hỏi: Tôi có căn nhà do cha mẹ tặng cho, nằm ở phía sau căn nhà của em ruột tôi là T.C.B. Để đi ra đường công cộng, gia đình tôi phải đi qua phần đất cặp nhà của B; phần đất này vẫn nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do B. đứng tên.

Do anh em có mâu thuẫn nên B. đã rào chắn lối đi này, không cho gia đình tôi đi ra đường công cộng. Đây là lối đi duy nhất từ trước giờ của gia đình tôi. Vậy tôi phải làm thế nào để yêu cầu ông B. cho tôi sử dụng lối đi trên?

* Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền lối đi qua như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

Như vậy, trong trường hợp này, ông có quyền khởi kiện ông B. để yêu cầu ông B. mở cho ông lối đi qua đường công cộng.

Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, tốt nhất ông nên nộp đơn yêu cầu UBND xã, phường tổ chức hòa giải. Từ đó, hội đồng hòa giải sẽ giải thích các quy định của pháp luật cho các bên để các bên tự hóa giải những mâu thuẫn, khúc mắc với nhau, tạo điều kiện hàn gắn tình cảm anh em ruột với nhau.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc ông không đồng ý với kết quả hòa giải thì ông có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án xét xử cho ông mở lối đi trên phần đất của ông B. để gia đình ông đi qua đường công cộng; đồng thời, ông yêu cầu ông B. phải tháo dỡ vật kiến trúc… chắn lối đi, yêu cầu ông B. chấm dứt hành vi cản trở việc gia đình ông đi qua đường công cộng theo quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai, tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng”.

Sau khi Tòa án thụ lý vụ kiện dân sự của ông thì Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định như: thông báo thụ lý vụ án; tổ chức đo đạc, định giá phần đất đang tranh chấp; thu thập tài liệu chứng cứ, tổ chức phiên hòa giải, công khai tài liệu, chứng cứ… và xét xử vụ án nêu trên theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên. Ngoài ra, khi Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông thì ông cũng có thể phải bồi thường giá trị đất mà ông yêu cầu mở lối đi cho ông B. theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm