Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- *Bạn đọc M.C. (TP. Pleiku) hỏi: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có hành vi thông chốt kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại đường Lê Duẩn, TP. Pleiku. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại đường Lê Duẩn, TP. Pleiku. Ảnh: Vĩnh Hoàng

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

“Thông chốt nồng độ cồn” là từ dùng để chỉ hành vi của những cá nhân không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát Giao thông về việc kiểm tra nồng độ cồn.

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019) quy định nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Nghĩa là, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cá nhân điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Các cá nhân khi nhận thấy tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn thì thường phóng xe bỏ chạy hoặc giả vờ tấp xe vào theo tín hiệu rồi phóng xe chạy đi hay cố tình quay đầu xe đi ngược chiều của làn xe bên cạnh để trốn tránh chốt kiểm tra nồng độ cồn của Cảnh sát Giao thông. Hành vi này vi phạm pháp luật và bị xử lý như sau:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì theo quy định tại điểm g khoản 8 và điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì theo quy định tại điểm b khoản 9 và điểm e khoản 10 Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền 16 triệu đến 18 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Có thể bạn quan tâm