(GLO)- Trên cơ sở những thói quen và tập quán lặp đi lặp lại nhiều lần, các tộc người ở Tây Nguyên hình thành những bộ luật tục. Luật tục tuy chỉ tồn tại dưới dạng văn truyền miệng nhưng là cơ sở ràng buộc mọi mối quan hệ giữa con người với gia đình, con người với xã hội, thiên nhiên mà mọi thành viên trong cộng đồng đều có nghĩa vụ tuân thủ.
Ra đời từ khi xã hội chưa có sự phân chia giai cấp, cũng chưa thoát khỏi “cái bóng” của chế độ mẫu hệ nguyên thủy, không hề được ghi lại bằng bất cứ văn bản hay văn tự nào, nhưng luật tục của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều có những chương, điều quy định về thái độ ứng xử của mỗi thành viên trong cộng đồng đối với gia đình.
Nếu ca dao người Việt có câu “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thì luật tục Ê Đê khi mở đầu “chương VI” nói về mối quan hệ cha mẹ-con cái, trước tiên cũng khẳng định “Có dưa có bắp là có người trồng/Có con cái là do cha mẹ sinh ra/Có người phải được coi trọng”. Luật tục M’Nông ở phần quy định hôn nhân-gia đình cũng có lời nhắc nhở “Mẹ cõng mới còn/Cha cõng mới còn/Mẹ nuôi từ nhỏ/Cha nuôi đến lớn”. Suốt đời chăm lo cho con cái cho đến khi “Tóc cha mẹ đã bạc/Hai gò má đã nhăn/Hàm răng đã rụng cả/Lưng đã gù”.
Do đó mà con cái có nghĩa vụ phải chăm sóc khi cha già mẹ héo. Nếu vi phạm điều này là người có tội, phải bị xem xét mức độ vi phạm. Tuy nhiên, trước khi kết tội, luật tục Jrai còn phân tích cặn kẽ, nếu không có cha mẹ nuôi nấng thì con cái “Không thể lớn như cây tre/Như chiếc mầm không thể thành rừng cây lớn”.
Chính vì vậy mà cộng đồng M’Nông cũng sẽ lên án những kẻ không nhớ tới công ơn đó mà lại “muốn to tiếng đàn áp cha mẹ”. Còn luật tục Ê Đê cũng chê trách loại người “Như ngọn cỏ muốn vươn cao hơn cây lau/Như cọng tranh muốn vươn cao hơn cây sậy/Như thú rừng muốn vọt cao hơn lùm cây êjung”.
Tất nhiên, đến khi đó, luật tục Jrai sẽ không tha thứ cho những đứa con vô ơn, thờ ơ với cha mẹ: “Khi uống rượu ngon nó quên/Ăn trâu, uống heo nó không nhớ tới bố mẹ đẻ”. Vì chỉ như vậy thôi “chúng đã là người có tội”. Còn nếu chúng là kẻ không biết nghe điều phải trái, lười lao động “Củi không đi lấy/rẫy không đi làm/cối chày không đụng đến” để giúp đỡ cha mẹ thì đến “Chị em hắn cũng chẳng ai còn muốn cưu mang”. Đặc biệt là những đứa con mắc tội bạo hành với cha mẹ “Khi có bắp chân to nó giẫm lên cha/Có đùi to nó đạp lên mẹ” thì dứt khoát “là kẻ có tội, phải đưa ra xét xử” (luật tục Ê Đê). Những đứa con bỏ bê cha mẹ lúc ốm đau cũng sẽ bị luật tục Ê Đê truất quyền thừa kế. Nếu đã từng được chia thì phải “trả lại phần của cải của mẹ cha để lại”. Thậm chí “muối thừa, lúa thừa, cơm thừa, bầu bí và gia súc nó không được hưởng”. Trong hoàn cảnh đó, gia đình tất dẫn đến cảnh suy sụp “Làm gì có đủ của mà đền/Con cháu bị bắt đem đi bán/hoặc là ở đợ cho người ta” (Luật tục M’Nông).
Một buổi xử phạt theo luật tục ở huyện Kbang. Ảnh: Thế Phiệt |
Những quy định và viễn cảnh đó chắc chắn không chỉ là sự răn đe, mà còn khẳng định nguyên tắc ứng xử của cộng đồng, mọi thành viên đều bắt buộc phải tuân thủ.
Luật tục các dân tộc Tây Nguyên không chỉ quy định hiếu lễ với cha mẹ mà còn cả thái độ ứng xử đối với ông bà, với người già trong buôn làng: “Cha mẹ như cái rẫy mới/ông bà như cái rẫy cũ” con cái phải luôn luôn chăm sóc mới đảm bảo một đời sống ổn định. Bởi vậy, trách nhiệm của con cháu là “Đừng bỏ ông bà/Phải nuôi cho đến già mới chết”, bởi vì “bỏ người già làm họ tủi thân” (luật tục M’Nông). Theo luật tục Jrai thì “Lời nói át lời người già” cũng giống như “con chim bay qua bẫy/con sóc nhảy qua bẫy” không thể vượt qua được.
Ngược lại, các bộ luật tục cũng quy định rõ nghĩa vụ của cha mẹ không chỉ là nuôi nấng mà còn phải dạy dỗ con cái nên người. Lỗi lầm của con cháu, tùy theo hành vi và mức độ vi phạm mà cha mẹ cũng phải là người cùng chịu trách nhiệm. Trước hết là việc dung túng những hành vi sai trái của con cái, cũng sẽ giống như việc “Nuôi heo thả rông ủi hết khoai non/Nuôi bò thả rông ăn sạch áo quần/Nuôi voi thả rông ăn sạch chuối mía...”.
Nhất là nếu đứa con ấy phạm tội ăn cắp mà cha mẹ làm ngơ thì “cha mẹ có tội, anh em có tội” cũng sẽ bị cộng đồng đem ra xét xử. Thậm chí nặng thì còn bị “chịu phạt thu trâu và ché/thu sạch cả kho lúa trong nhà” (luật tục M’Nông). Những người làm cha mẹ như vậy bị xã hội lên án “khác nào con chim ngói tìm theo nắng/Con chim két tìm theo gió” và chắc chắn sự đồng lõa ấy “phải đưa ra xét xử giữa họ với những người khác” (luật tục Ê Đê).
Tính cộng đồng bền vững là điểm rất đặc biệt trong đời sống “công xã nguyên thủy” của Tây Nguyên. Mọi thành viên vì sự tồn tại của cộng đồng, của gia đình trong cộng đồng mà luôn tuân thủ những lề lối, tập tục bất thành văn này. Ai làm tổn thương đến sự yên bình của gia đình cũng đồng nghĩa với việc làm bất ổn cuộc sống của cả cộng đồng, đều bị lên án và xử phạt tùy theo lỗi nặng nhẹ. Điều làm người ta e ngại nhất không phải chỉ là bị bồi thường mà còn là việc bị xử phạt và xin lỗi trước toàn thể cộng đồng.
Luật tục Tây Nguyên ra đời trong một xã hội chưa phân chia giai cấp, do trình độ dân trí, do mẫu hệ nên có những điểm ngày nay không còn phù hợp. Nhưng một số quy định về gia đình đọc lại vẫn nhận ra giá trị ràng buộc, đảm bảo sự bền vững của một gia đình, của cả cộng đồng mà không phải hương ước của vùng nào cũng có.
LINH NGA NIÊ KDAM