Xã hội

Lương tối thiểu vùng 2019 có thể tăng bao nhiêu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Căn cứ vào tình hình kinh tế có dấu hiệu khả quan, TLĐLĐVN đang đề xuất mức tăng là 8%, song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp.

Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa họp xong phiên thứ 2 nhằm thương thảo về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Tuy nhiên, sau 2 phiên họp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thuộc giới doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu năm tới.

Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền Lương, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: Trong phiên thứ 2, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc phân tích tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Bức tranh kinh tế tương đối khả quan, GDP năm 2017 tăng 7%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng.

 
 



Tuy nhiên, Hội đồng cũng nhận thấy những thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã sắp đạt 4%, sát với mục tiêu của Quốc hội.

Hiện nay, Chính phủ đang "gồng mình" để giữ CPI không tăng mới đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động. Nếu tiền lương tăng được vài đồng, nhưng giá cả hàng hóa tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động.

Nói thêm về những thách thức của doanh nghiệp, bà Minh cho rằng, ngay cả các vấn đề thương mại quốc tế cũng sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình của các doanh nghiệp trong nước.

“Giới chủ doanh nghiệp đặt ra vấn đề tác động rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một số ngành nghề sẽ đòi hỏi có sự đầu tư lớn về công nghệ, đòi hỏi doanh nghiệp có năng lực lớn. Trong khi đó, hiện nay, phần đa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Tống Thị Minh thông tin.

Chia sẻ quan điểm về mức lương tối thiểu vùng 2019, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho rằng, việc tăng lương cần cải thiện được đời sống, giữ được việc làm cho người lao động. Điều này cũng có nghĩa là cần hài hòa với khả năng chi trả của doanh nghiệp để tạo ra việc làm ổn định.

“Quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội cho các bên thương lượng, từ đó đề ra các mức tăng xích lại gần nhau hơn. Tăng ở mức bao nhiêu không chỉ cần đảm bảo lợi ích các bên, mà còn cần đảm bảo cả các vấn đề quốc gia như việc làm, trật tự, an sinh xã hội. Muốn có tiếng nói chung, các bên cần tiếp tục thương lượng”, bà Tống Thị Minh nhấn mạnh.

Được biết, kết thúc phiên thương thảo thứ 2, phía VCCI đã nâng mức đề xuất lên thành 2% so với mức lương tối thiểu vùng 2018.

Song phía TLĐLĐVN vẫn kiên định với ý kiến tăng 8%. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn (TLĐLĐVH) lý giải: “Điều đầu tiên cần quan tâm là mức trượt giá tới nay đã gần 4 %. Do đó việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể ở mức 2 % như VCCI đưa ra. Nếu như vậy, người lao động chưa thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình”.

Dự đoán sẽ chốt ở mức từ 6-7%

Theo sát lộ trình tăng lương tối thiểu qua các năm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ngay từ đầu năm 2018, tình hình tăng trưởng kinh tế đã có những tín hiệu đáng mừng, GDP đạt 7,38%. Song điều kiện để điều chỉnh mức lương tối thiểu còn cần dựa vào cơ sở biến động của chỉ số giá sinh hoạt, các điều kiện phát triển kinh tế xã hội và quan hệ cung cầu trên thị trường.


 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.



“Theo Tổng LĐLĐ VN, mức sống tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động mới đáp ứng được 90-92%. Xét điều kiện tăng trưởng và mức sống tối thiểu hiện tại, tôi cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của năm 2019 theo hướng tăng thêm.

Điều này nhằm đảm bảo tiêu chí lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2020. Đó là giới hạn cuối cùng theo lộ trình được Chính phủ cam kết”, ông Lợi nêu quan điểm.

Căn cứ vào tình hình thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 có thể tăng từ 6-7% so với năm 2018, như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho năm sau khi phải đuổi kịp lộ trình đã đề ra.

Trong đàm phán về tiền lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng các bên cần quan tâm đến lợi ích lẫn nhau, kỹ thuật để tính toán ra mức lương tối thiểu cũng như mức sống tối thiểu của người lao động và đặc biệt là chỉ số CPI trong năm tới.

“Chúng ta đang cố giữ chỉ số CPI ở mức 4% trong năm 2018. Nhưng hiện nay mức lương khu vực Nhà nước cũng vừa tăng thêm, cộng thêm tình hình thiên tai, bão lũ... liệu chỉ số này có giữ nguyên. Do đó chúng ta cũng cần tính toán, dự báo khả năng trượt giá của năm sau là bao nhiêu để đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp”, ông Lợi phân tích.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, tỷ trọng nhu cầu sử dụng lương thực thực phẩm giảm đi, nhu cầu cho các dịch vụ văn hóa xã hội, giải trí như ăn mặc, đi lại, du lịch… tăng cao hơn, cũng cần tính toán khi đưa ra mức “rổ hàng hóa” của người lao động.

Nguyễn Trang/VOV

Có thể bạn quan tâm