Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Lưu vực sông Đồng Nai: Hạn chế đầu tư một số ngành nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lưu vực sông Đồng Nai: Hạn chế đầu tư một số ngành nghề ảnh 1
 
Trong buổi họp hôm qua 14-8 của Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai (UBBVSĐN), ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, kết quả làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu và Lâm Đồng cho thấy, dù các tỉnh đã thành lập văn phòng và xây dựng kế hoạch bảo vệ sông Đồng Nai nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.


Cụ thể, cán bộ của các văn phòng phần lớn đều kiêm nhiệm từ các sở ngành liên quan. Văn phòng này không có kinh phí để hoạt động nên dù muốn thì vẫn “lực bất tòng tâm”.

Việc phối hợp giữa các văn phòng UBBVSĐN giữa các tỉnh còn nhiều bất cập. Cụ thể như TPHCM cho rằng nguồn phát thải từ Đồng Nai và Bình Dương đang ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước sông Đồng Nai, đoạn chạy qua TPHCM. Còn Đồng Nai, Bình Dương lại cho rằng chất thải từ tỉnh Bình Thuận đang ảnh hưởng đến chất lượng nước của họ… Cứ như thế, giữa các tỉnh đang có sự đổ qua đổ lại. Còn làm thế nào để các tỉnh thành ngồi lại với nhau cùng giải quyết thực trạng này thì cho đến nay vẫn thiếu nhạc trưởng. Do vậy tình trạng trên xả, dưới gánh vẫn đang diễn ra. Kết quả là cho đến nay, chất lượng nước sông Đồng Nai vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn ô nhiễm nặng hơn.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định, bảo vệ môi trường sông Đồng Nai là việc sống còn của TP. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho TP nói riêng và 11 tỉnh thành khác nói chung. Do vậy, việc bảo vệ môi trường nước được ưu tiên hàng đầu. Việc bảo vệ môi trường rất cần sự chung tay của cộng đồng. Nếu chỉ có TPHCM bảo vệ môi trường sông Đồng Nai hiệu quả sẽ không cao do TP nằm khu vực hạ lưu. Các tỉnh thành phía thượng nguồn không triệt để xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất thì hạ nguồn sẽ gánh hết.

Ông Bùi Cách Tuyến cho biết, những bất cập trong việc bảo vệ lưu vực sông còn rất nhiều. Để gỡ rối vấn đề này, trước mắt, tổng cục kiến nghị Chính phủ nên có một phó thủ tướng phụ trách điều hành chung UBBVSĐN, để chấm dứt tình trạng giữa các tỉnh chỉ có “phối” mà không “hợp”. Ngoài ra, tổng cục nghiên cứu lập danh mục những ngành nghề hạn chế đầu tư chung cho dọc lưu vực sông Đồng Nai. Cụ thể những loại hình công nghiệp như chế biến tinh bột sắn, mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp), nhuộm, thuộc da, xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón, bột giấy…. Mặt khác, đề nghị các tỉnh thành, từ nay đến cuối tháng 12-2010, buộc các chủ đầu tư hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nếu không làm được thì ngoài việc xử phạt thật nghiêm sẽ xem xét yếu tố đóng cửa tạm thời các đơn vị vi phạm.
Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm