Phóng sự - Ký sự

Ma trận lừa đảo: Nhiều giải pháp ngăn chặn tội phạm mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù công an cả nước đã triệt phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với đủ thủ đoạn khác nhau, tuy nhiên mỗi ngày vẫn có người dân bị sập bẫy. Để đối phó tình trạng này, các chuyên gia pháp luật, an ninh mạng cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

XÁC THỰC THÔNG TIN, XÓA BỎ TRANG WEB VÀ ỨNG DỤNG GIẢ MẠO

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết hiện có nhiều hình thức lừa đảo phổ biến như: tấn công email, giả mạo hợp đồng kinh tế, tấn công mạng vào các sàn thương mại điện tử để lấy cắp thông tin, huy động vốn với lãi suất cao, lừa đảo liên quan đến tiền ảo; giả danh công an, viện kiểm sát và tòa án để cung cấp thông tin sai lệch phục vụ cho điều tra. Các thủ đoạn lừa đảo còn mở rộng tới việc sử dụng mạng xã hội, trang web giả mạo, lừa đảo đầu tư vào các dự án không có thật, lừa đảo qua điện thoại và thẻ tín dụng.

Sử dụng phần mềm phòng, chống lừa đảo nTrust để nhận diện, kiểm tra số điện thoại, web lừa đảo

Theo thượng tá Đỗ Minh Kim, VN là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều trên thế giới. Năm 2023, 1.142 trang thông tin điện tử trong nước (có tên miền .vn), trong đó có 121 trang thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện. Đến nay, tình trạng tấn công các hệ thống thông tin tại VN đã giảm hẳn do cơ quan chức năng triển khai thực hiện tốt kế hoạch đấu tranh với đối tượng tin tặc trong và ngoài nước. Các loại hình tội phạm lừa đảo, đặc biệt lừa đảo qua mạng có những sự chuyển biến, cập nhật phương thức rất nhanh.

"Tội phạm công nghệ cao hiện diễn biến phức tạp và sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet ngày càng tạo ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phòng, chống tội phạm. Hàng trăm thủ đoạn lừa đảo khác nhau đã được ghi nhận, người dân cần phải nắm rõ và cảnh giác. Các nhóm tội phạm từ nước ngoài đã liên kết với đối tượng trong nước để mở tài khoản ngân hàng, tiền ảo nhằm phục vụ cho hoạt động phi pháp. Chúng thường lôi kéo nạn nhân sang Campuchia hoặc Philippines để thiết lập hệ thống thông tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt thường được chuyển qua nhiều tài khoản không chính chủ để gây khó khăn trong việc truy vết", thượng tá Đỗ Minh Kim phân tích.

Nhằm nâng cao nhận thức và bảo vệ người dân khỏi các tội phạm lừa đảo công nghệ cao, thượng tá Đỗ Minh Kim khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch trực tuyến cần cẩn trọng và kiểm tra kỹ thông tin. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm qua mạng hay điện thoại và phải biết nhận diện các dấu hiệu nghi ngờ trong giao dịch.

Các dấu hiệu này bao gồm việc đối tượng yêu cầu thanh toán ngay lập tức và gây áp lực để thúc giục quyết định nhanh chóng. Nếu nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo, người dân trình báo ngay cho cơ quan chức năng, ngân hàng hoặc công an gần nhất.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để không còn tồn tại các sơ hở, thiếu sót mà đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng. Các quy định pháp luật phải được cập nhật và bổ sung kịp thời để xử lý các hành vi lừa đảo một cách triệt để. Đồng thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước và đơn vị chức năng để ngăn chặn, xử lý dòng tiền của đối tượng lừa đảo. Bởi theo thượng tá Đỗ Minh Kim, việc theo dõi, quản lý dòng tiền sẽ giúp phát hiện kịp thời các hoạt động đáng ngờ.

Đặc biệt, theo thượng tá Đỗ Minh Kim, phải tăng cường hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, cũng như xóa bỏ trang web, ứng dụng giả mạo có khả năng lừa đảo.

BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN, ĐỊNH DANH VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Về việc xử lý hành vi lừa đảo đã đủ sức răn đe, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, quy định pháp luật xử lý hành vi lừa đảo hiện nay là khá hoàn thiện; có cả chế tài xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ nguy hiểm của hành vi lừa đảo. Về xử lý hành chính được quy định tại điều 15 Nghị định 144/2021 với mức phạt từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi lừa đảo, gian dối để lấy tiền của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dùng phần mềm nTrust, người dân chỉ cần bấm số điện thoại kiểm tra là biết được số đó có nằm trong danh sách nghi ngờ lừa đảo hay không

Còn đối với hành vi nghiêm trọng hơn thì bộ luật Hình sự quy định rất nghiêm khắc, lừa đảo có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị xử lý hình sự với mức hình phạt đến 3 năm tù và mức cao nhất là tù chung thân.

Theo luật sư Công, tính nghiêm khắc và hoàn thiện hơn nữa về việc bổ sung một tội danh mới so với trước đây là tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định tại

điều 290 bộ luật Hình sự. Như vậy có thể thấy, hệ thống pháp luật của nước ta đã khá đầy đủ để điều chỉnh sự sai phạm trong loại hành vi này, nhưng tại sao loại tội phạm này vẫn tồn tại và phát triển ngày càng tinh vi.

"Lừa đảo thường tập trung đánh vào lòng tham, tâm lý việc nhẹ lương cao, không làm vẫn có ăn, đầu tư ít hưởng lợi nhiều một cách vô căn cứ hay thiếu hiểu biết về một loại công việc, hay tấn công vào sự lo sợ vi phạm pháp luật của bản thân. Nếu ai đã từng đọc cảnh báo về sự lừa đảo, cách thức, thủ đoạn gian dối và các vụ việc đã xảy ra trong thực tế thì khi bản thân gặp phải sẽ có thể nhận thức ngay mà không bị sa bẫy", luật sư Công nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tội phạm này, thiếu tá Võ Ngọc Toản (giảng viên Trường ĐH An ninh) cho rằng, mấu chốt vẫn là sự "hiệp đồng" giữa các cơ quan chức năng và người dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh điều tra, phát hiệu, ngăn chặn, có biện pháp trừng trị nghiêm khắc, thích đáng với các đối tượng lừa đảo.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), lưu ý người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia trên không gian mạng. Các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến cũng cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật của VN, đặc biệt các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và bảo vệ người dùng. Về phía cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương hoàn thiện, điều chỉnh, cập nhật các quy định pháp luật liên quan, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử phạt khi phát hiện sai phạm.

Các bước nhận diện sớm yếu tố lừa đảo

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn cho hay, công nghệ giúp các đối tượng tiếp cận được nhiều nạn nhân hơn, có nhiều vũ khí mạnh hơn, trong khi người dùng vẫn ngây thơ trên môi trường số.

Theo đại diện NCA, các hình thức lừa đảo trên Facebook nói riêng và môi trường số nói chung chủ yếu xoay quanh năm yếu tố, gồm: số điện thoại, website, số tài khoản, mã độc trong phần mềm, và mã QR. Việc nhận diện các yếu tố lừa đảo là chốt chặn giúp hạn chế nhiều nhất có thể các vụ lừa đảo. Ví dụ trong thủ đoạn mạo danh fanpage nhà hàng, khách sạn để lừa tiền đặt cọc, du khách có thể thấy dù các địa điểm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng đều đặt chung một số hotline, chung số tài khoản ngân hàng.

Để giúp người dùng nhận diện nhanh và báo cáo các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ, NCA đã xây dựng phần mềm phòng, chống lừa đảo nTrust. Ông Sơn cho biết, nTrust hiện có hơn một triệu bản ghi, chứa thông tin về số điện thoại, tài khoản, website lừa đảo tổng hợp từ nguồn dữ liệu được xác minh của Bộ Công an, Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức an ninh mạng thành viên của NCA. Dựa vào kho dữ liệu lớn và được cập nhật liên tục, người dùng có thể kiểm tra nhanh một số điện thoại, tài khoản ngân hàng có nằm trong danh sách cảnh báo không, trước khi thực hiện giao dịch.

Theo Ngọc Lê - Anh Quân - Khương Nha (TNO)

Có thể bạn quan tâm