Xã hội

Gia đình

Mái ấm của người già neo đơn ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 20 năm thành lập, Mái ấm Phao Lô (phường An Phú, thị xã An Khê, Gia Lai) đã tiếp nhận, nuôi dưỡng hàng chục người già neo đơn, không nơi nương tựa.
Hiện nay, Mái ấm là nơi tá túc của 10 người già neo đơn. Mỗi người một hoàn cảnh, người bị con cháu hắt hủi, người không nơi nương tựa, bệnh tật… Nhưng khi đến đây, họ đều được chăm sóc một cách chu đáo, ăn uống đầy đủ, khi đau ốm đều được thuốc thang kịp thời.
 Người già neo đơn ở Mái ấm Phao Lô. Ảnh: N.M
Người già neo đơn ở Mái ấm Phao Lô. Ảnh: N.M
Gắn bó với Mái ấm đã 8 năm nay, bà Nguyễn Thị Mỹ (68 tuổi, TP. Pleiku) chia sẻ: Trước đây, bà bị tai biến nên phải vào TP. Hồ Chí Minh điều trị 5 năm liền khiến bao nhiêu của cải đều đội nón ra đi. Rơi vào cảnh nghèo mà bệnh tật chẳng thuyên giảm, một nửa người bà tê bại. Tiếp đó, bà phải gánh thêm nỗi đau chồng chết, người con trai duy nhất cũng đột tử. Sống trong cảnh cô độc bệnh tật, không người thân, bà từng nghĩ sẽ tự giải thoát để theo chồng, con. “Chán lắm, chẳng thiết gì, nhưng may có các sơ đưa về đây cho ăn uống, thuốc thang hàng ngày nên sức khỏe cũng đỡ. Ở đây được nói chuyện với những người đồng cảnh ngộ nên nỗi buồn cũng vơi đi”-bà Mỹ bộc bạch.
Vì gia cảnh nghèo khó, tuổi già, bệnh tật nên bà Nguyễn Thị Nhờ (thị xã An Khê) xin vào Mái ấm tá túc. Bà Nhờ mắc bệnh tim bẩm sinh, không có con. Khi còn trẻ, vợ chồng bà làm được đồng nào đều lo thuốc thang chữa bệnh. Sợ về già không có người nương tựa, bà có nhận một người con về nuôi. Tuy nhiên, khi tuổi già, sức yếu thì bà chẳng được cậy nhờ. “Con dâu tôi chuẩn bị sinh cháu, con trai còn phải chăm vợ, chăm con. Kinh tế khó khăn, con không thể chăm lo nên tôi xin các sơ vào đây tá túc qua ngày”-bà Nhờ trải lòng.
Trong Mái ấm, còn có nhiều người già có hoàn cảnh éo le như bà Nguyễn Thị Xuân (88 tuổi, quê Bình Định) không chồng, không con; bà Dương Thị Phượng (80 tuổi, huyện Chư Sê) lấy chồng mà không có con, về già con chồng hắt hủi không chăm lo; bà Phan Thị Xuân Hương (60 tuổi, TP. Pleiku) sống trong Mái ấm cùng người em gái tâm thần gần 4 năm… “Tất cả mọi người đều coi Mái ấm là chỗ nương thân, sống nốt phần đời còn lại”-bà Dương Thị Phượng nói.
Những người già sống trong Mái ấm Phao Lô đều đã có tuổi, sinh hoạt khó khăn, lại thường xuyên đau ốm nên việc chăm sóc rất cực nhọc. Tuy nhiên, với các sơ đó là công việc bình thường, góp sức nhỏ bé giúp các cụ sống an vui những năm tháng cuối đời. Sơ Nguyễn Thị Hoàng Yến-Phụ trách Mái ấm Phao Lô An Khê-chia sẻ: “Tôi đã học qua lớp điều dưỡng nên việc chăm sóc sức khỏe, ăn uống của người già là điều hết sức bình thường. Những lúc trái gió trở trời khiến các cụ mắc các bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi thì tôi có thể chủ động cho uống thuốc, còn bệnh nặng mới phải đưa đi bệnh viện. Các cụ đã cô độc nên rất dễ tủi thân. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng quan tâm, chia sẻ để họ sống an vui”. Bên cạnh đó, Mái ấm cũng đang nuôi 4 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được ăn học đầy đủ. Ngoài việc phụ giúp các sơ rửa chén, quét dọn nhà cửa, đổ rác, trồng rau, tưới nước… các em còn trò chuyện để các cụ để vơi bớt nỗi cô đơn.
“Hơn 20 năm qua, Mái ấm có nhiều người đến, người đi… nhưng luôn duy trì, nuôi dưỡng khoảng 10 người già. Ngoài sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các sơ, Mái ấm còn được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương”-sơ Yến chia sẻ thêm.
Bà Bùi Thị Thu-Phó Chủ tịch UBND phường An Phú-cho biết: “Từ ngày Mái ấm Phao Lô An Khê thành lập, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn các sơ làm các thủ tục để người già được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, cấp ủy, chính quyền địa phương đều dành những suất quà tặng cho các cụ”.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm