Tây Nguyên còn lại rất ít nghệ nhân biết hát sử thi, đây là những “viên ngọc quý” để bảo tồn, truyền dạy Sử thi Tây Nguyên. Nếu chúng ta không kịp thời có chính sách hỗ trợ và giúp đỡ họ “truyền nghề” cho con cháu mình thì có nguy cơ mất hết người hát sử thi Tây Nguyên trong một ngày không xa.
Hỗ trợ cuộc sống nghệ nhân
Theo Sở VH-TT-DL Đak Nông, qua khảo sát năm 2013, trong các vùng người dân tộc M’nông sinh sống lâu đời, đều tồn tại Sử thi M’nông (còn gọi Ot N’drong) và có 12 người còn có thể hát kể Ot N’drong. Người cao tuổi nhất là nghệ nhân Điểu Kơl (96 tuổi), người trẻ nhất là Thị Mai (43 tuổi). Các nghệ nhân đang sinh sống tại các huyện Đak Mil, Đak Song, Tuy Đức. Vào tháng 12-2014, Ot N’drong được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đak Nông, cho hay: Trong những năm qua, tỉnh đã tổ chức hội thi, hội diễn hát kể sử thi, đồng thời khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong các hoạt động văn hóa. Trong số 21 nghệ nhân của tỉnh vừa được công nhận Nghệ nhân Ưu tú thì có các nghệ nhân Ót N’drong.
Ông Rơ Châm Nha lo lắng kể khan thất truyền vì lớp trẻ không mặn mà. |
Còn theo Sở VH-TT-DL Kon Tum, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng, Bahnar và Jrai biết hát kể sử thi, phần lớn họ đã cao tuổi. Nhưng chỉ mới có một số nghệ nhân hát kể sử thi được hưởng chính sách, hỗ trợ (bao gồm: nghệ nhân A Bek, Nghlêuh và A Ling đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2015, có các nghệ nhân A Lưu, A Đăng, A Tik được Chi hội Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Gia Lai hỗ trợ theo chương trình “Chung tay bảo tồn Sử thi Bahnar”), các nghệ nhân còn lại chưa được hưởng chính sách, hỗ trợ. Còn tại Đak Lak, hiện toàn tỉnh chỉ còn 8 nghệ nhân ở 3 huyện Cư M’gar, Krông Búk và Krông Pắk vẫn còn nhớ và kể được sử thi của dân tộc Êđê. Ở Gia Lai, sử thi được phát hiện và công bố đầu tiên vào năm 1982 là sử thi Đăm Noi của dân tộc Bahnar. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 21 nghệ nhân hát kể sử thi Ba Na tiêu biểu (tập trung ở 4 huyện Kbang, Đak Pơ, Đak Đoa và Kông Chro) với hơn 67 bài sử thi đã được kiểm kê, sưu tầm và ghi chép.
Theo ông Lê Xuân Thái, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, việc duy trì hát kể sử thi có nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến mai một. Thứ nhất là người kể ngày càng ít, ít người có cơ hội kể, dẫn đến việc quên lời. Trong khi đó, do hát kể sử thi chủ yếu được truyền miệng chứ không có chữ viết nên tình tiết câu chuyện có sự hư cấu, tam sao thất bản. Một yếu tố nữa là hát kể sử thi không thể duy trì rộng rãi vì thiếu không gian và nơi kể, trong khi người nghe là lớp trẻ không mặn mà theo học. Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho rằng, sử thi có nguy cơ thất truyền và ông kiến nghị cần quan tâm đến đời sống vật chất các những nghệ nhân hát kể sử thi. Tạo ra môi trường để các nghệ nhân thể hiện sử thi của dân tộc mình, tăng cường việc nghiên cứu, sưu tầm.
Đưa sử thi vào trường học
Theo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai, hát kể sử thi Tây Nguyên có nguy cơ mai một do số lượng người kể khan ngày càng ít, trong khi lớp trẻ không mặn mà. Một yếu tố nữa là không gian kể khan như bếp lửa, nhà rông, cồng chiêng cũng không còn. “Để bảo tồn, Nhà nước có chính sách sưu tầm, ghi chép, ghi âm và in thành sách các bài kể khan để đưa vào các trường nội trú. Ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên khuyến khích tổ chức các cuộc thi cho nghệ nhân biểu diễn nhằm giữ lại nét văn hóa độc đáo này”, ông Vũ đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum, cũng thừa nhận, hát kể sử thi trên địa bàn tỉnh cũng đang có nguy cơ mai một vì hiện có nhiều chương trình giải trí hiện đại làm cho lớp trẻ sao nhãng với hát kể sử thi. “Trước đây, những lúc chiều tối, cộng đồng thường tập trung tại nhà rông hoặc tìm đến nhà của người biết hát kể sử thi hay thậm chí mời người biết hát đến nhà mình để hát kể cho con cháu nghe. Từ những buổi nghe hát đó mà những người đam mê tự học hỏi, ghi nhớ từng cốt truyện rồi dần dần thành thạo. Nhưng hiện nay, nơi tập trung của lớp trẻ chủ yếu là xem phim trên truyền hình, nơi có âm nhạc, hội hè… nên ít có người còn nghe và biết đến sử thi. Trong khi đó, những người biết hát kể sử thi đều là những người lớn tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm”, ông Hoàng chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Viện Văn hóa dân gian Việt Nam tổ chức sưu tầm, ghi âm, ghi chép các bài hát kể sử thi trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã xây dựng các Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có nội dung hát kể sử thi. Sắp tới, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh triển khai một số hoạt động như như tổ chức các lớp truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ trẻ tại các làng người dân tộc Bahnar, Xơ Đăng. Thời gian qua, ngành giáo dục của tỉnh Kon Tum đang dần dần đưa lối hát kể khan thành một hoạt động sinh hoạt lành mạnh đối với học sinh như mời nghệ nhân dạy lối hát kể và đưa hát kể sử thi thành một nội dung trong các hội thi văn nghệ của trường.
Còn tỉnh Đak Nông sắp tới sẽ phối hợp với ngành giáo dục để đưa sử thi vào dạy trong các trường dân tộc nội trú. Các em học sinh người dân tộc M’nông sẽ được học hát và chia sẻ sử thi để bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL Đak Nông đang xây dựng Đề án bảo tồn Ot N’drong của người M’nông giai đoạn 2016 - 2020. Đề án sẽ nêu các giải pháp cụ thể, mời các chuyên gia về đánh giá, tìm hướng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ot N’drong.
Theo sggp