Mái nhà chung của người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã trở thành ngôi nhà chung của người khiếm thị. Tại đây, họ được trau dồi kỹ năng sống và được đào tạo nghề, vay vốn phát triển kinh tế gia đình...

Tàn nhưng không phế

Dù bị mù hai mắt từ nhỏ nhưng anh Rơ Mah Thơm (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) vẫn tìm được con đường sáng cho cuộc đời mình khi tham gia khóa học nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền tại Trung tâm Dạy nghề Phục hồi chức năng Thừa Thiên-Huế. Năm 2013, nhờ sự trợ giúp của Hội Người mù tỉnh, sau khi tốt nghiệp, anh Thơm được làm việc tại Cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt 21 Nguyễn Du (TP. Pleiku). Với tinh thần chịu khó học hỏi, anh Thơm ngày càng nâng cao tay nghề và có mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/tháng. “Thu nhập tuy chưa phải là cao nhưng với người mù như tôi thì như thế cũng ổn định rồi. Cái chính là tự mình làm ra tiền để nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc gia đình. Đó là niềm vui lớn nhất”-anh Thơm cho hay.


 

 Ông Trần Văn Tư (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh. Đ.Y
Ông Trần Văn Tư (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh. Đ.Y

Cũng bị mù từ nhỏ nhưng ông Trần Văn Tư (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) không cam chịu số phận. Được người vợ hết mực yêu thương, ông từng bước vượt qua những khó khăn của cuộc sống. “Cuối năm 2015, Hội Người mù tỉnh cho gia đình tôi mượn 10 triệu đồng. Có vốn trong tay, tôi đầu tư mua thêm bò giống để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình tôi có 7 con bò, 1,5 ha cà phê, 300 trụ hồ tiêu và hàng ngàn cây bời lời. 2 năm trở lại đây, kinh tế gia đình tôi từng bước ổn định, trừ chi phí, còn để ra được gần 200 triệu đồng/năm”-ông Tư chia sẻ.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tấm gương người khiếm thị đã tự vượt lên số phận để hòa nhập cộng đồng. Ngoài nỗ lực của bản thân họ thì không thể không kể đến sự trợ giúp kịp thời của Hội Người mù tỉnh.

Mái nhà chung của người khiếm thị

 

Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh: “Trong 5 năm (2012-2017), Hội Người mù tỉnh đã làm mới và sửa chữa được 7 căn nhà ở cho người mù khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 300 triệu đồng; cho 7 người mù mượn vốn phát triển chăn nuôi. Trợ cấp gạo thường xuyên cho 1 người mù có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Ia Lang (huyện Đức Cơ). Nhân dịp lễ, Tết, Hội thường xuyên đến thăm, tặng hàng trăm suất quà với tổng số tiền trên 600 triệu đồng”.

Những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người mù. Nắm bắt được nguyện vọng của những người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh phối hợp với Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật của các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Bình Định và TP. Hồ Chí Minh gửi người khiếm thị đi học nghề massage, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền. Kết thúc khóa học, học viên có chứng chỉ hành nghề, tìm được việc làm ổn định. Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: “Nhiều hội viên sau khi học nghề đã đứng ra mở cơ sở sản xuất như: Làm chổi, làm tăm, tẩm quất... Hội cũng mở 3 cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền tạo việc làm cho 15 lao động có thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/ tháng”.  

Ngoài giúp đỡ, đào tạo nghề cho người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho hội viên vào những ngày lễ, Tết. Với những hội viên khó khăn về nhà ở, hàng năm, Hội rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương xin hỗ trợ kinh phí, xây dựng nhà tình thương để hội viên có chỗ ở ổn định.

Cũng theo ông Hùng, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người khiếm thị, trong đó có 851 người người bị mù hai mắt không còn khả năng lao động. Vì vậy, thời gian tới, Hội rất mong các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ kinh phí để Hội Người mù tỉnh thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng-Giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho người mù, khuyết tật.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm