“Lọc” khách du lịch
Cao nguyên Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, nằm về phía Đông tỉnh, cách thành phố Kon Tum khoảng 60 cây số, trên Quốc lộ 24 nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Trung bộ. Đây là khu vực có địa hình núi cao 1.000 - 1.500m, khí hậu thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiều cảnh quan đẹp. Đặc biệt là khu rừng nguyên sinh, rừng thông lâu năm, nhiều thác nước, suối hồ và còn lưu giữ truyền thống văn hóa bản địa độc đáo. Với quy mô khoảng 138.116 ha, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phát triển vùng Măng Đen thành vùng du lịch sinh thái Quốc gia vào năm 2030, có đặc thù riêng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngôi nhà rông của làng Vi Rơ Ngheo sừng sững giữa núi rừng |
Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen chia sẻ, lần đầu tiên khi tới Măng Đen cách đây chỉ mới chừng sáu năm trước không nghĩ bản thân sẽ gắn bó với nơi này. Khi ấy ông Hà tới Măng Đen với nhiệm vụ chụp được những tấm ảnh đẹp nhất về hoa mai anh đào. Đường xấu, mưa lạnh, ông Hà dừng chân ven đường thấy có treo bảng bán hơn 12 mét ngang mặt đường Phạm Văn Đồng nên gọi hỏi “cho vui”. Chủ đất báo chỉ vài trăm triệu đồng nên ông Hà nghĩ cứ mua để đó. Nhưng “trời xui đất khiến”, ông Hà lên Măng Đen mở khách sạn, quán cà phê, mong muốn có một nơi dừng chân, thưởng thức cà phê cho bạn bè, du khách.
“Hồi mới lên nơi đây sương mịt mù, ruồi vàng cắn mủ ghẻ, đứng cả tiếng không thấy người. Cũng bởi vậy tôi muốn làm một điều gì đó khi Măng Đen cần”, ông Hà chia sẻ.
Mát tay chăm chút cho khách sạn, quán cà phê “Bạch Dương” của mình nên khách gần xa đều ghé nghỉ ngơi. Khi xây dựng khách sạn, ông Hà quyết tâm giữ lại hết cây cối, vốn dĩ của tự nhiên nên chim, sóc cũng xem đây là môi trường của chúng.
Với người đàn ông ăn chay này, khách sạn của ông phải có những nét riêng, đấy là sự tôn trọng thiên nhiên. Khách tới không được đốt lửa, ca hát ầm ĩ, mà chỉ được chơi guitar nhẹ nhàng để hòa mình vào rừng thông, làn gió. Theo ông Hà, du lịch huyện Kon Plông cũng phải phát triển theo hướng “lọc khách”, còn chỉnh trang môi trường theo nhu cầu hiện đại của một số người là “hỏng hết”. Cần bình tĩnh kinh doanh, tựa vô thiên nhiên, đảm bảo khách chọn lọc, lên đây sẽ không thể bát nháo.
Căn nhà sàn truyền thống của người Xơ Đăng |
Ông Hà lý giải, tới Măng Đen là thả mình vào thiên nhiên, tìm sự an yên, tái tạo năng lượng tích cực. Lên đây để gia đình, con cái yêu thiên nhiên hơn. Còn ai muốn có những dịch vụ xa xỉ thì cứ về phố lớn. “Chẳng mấy nơi được như Măng Đen nữa, nếu không cố giữ, mất đi rồi thì không thể tái tạo”, ông Hà bày tỏ.
Ông Hà vui vẻ cho biết thêm: “Các em người đồng bào thiểu số ở đây trong sáng lắm. Hôm có thằng nhỏ ra đây xin làm buồng phòng, mình hỏi thì bảo đến học hỏi để mở homestay, tôi mừng lắm. Đây là dấu hiệu tốt của sự phát triển, tích lũy kinh nghiệm. Tôi tin Măng Đen sẽ giữ được rừng để phát triển. Bởi hiện giờ nơi đây không có tình trạng phân lô, bán nền. Trên này cũng không có hẻm, quy hoạch rất tốt”.
Giữ rừng
Kiến trúc sư Nguyễn Hồ, Hội kiến trúc sư TPHCM nhận định, các sai phạm về đất đai ở thị trấn Măng Đen đã tồn tại rất lâu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của địa phương, đặc biệt là gây mất rừng. Nhiều trường hợp vi phạm đất đai ở Măng Đen là do lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép trên đất rừng. Điều này ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và hệ sinh thái rừng, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Các sai phạm về đất đai gây khó khăn cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội ở Măng Đen. Nhiều khu vực đất đai bị lấn chiếm, xây dựng trái phép không thể sử dụng cho các mục đích công cộng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ở các cánh rừng trên Kon Plông có rất nhiều loài hoa đẹp |
Theo kiến trúc sư, để giải quyết sớm các sai phạm về đất đai ở Măng Đen, thời gian tới chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về pháp luật đất đai cho người dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, sử dụng đất đúng mục đích. Đặc biệt, phải kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, cần thiết là cưỡng chế, tháo dỡ để trả lại đất cho nhà nước.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồ cho rằng, đô thị “phố trong rừng” là một mô hình đô thị kết hợp hài hòa giữa không gian đô thị và không gian tự nhiên. Trong mô hình này, rừng không chỉ là một yếu tố cảnh quan mà còn là một phần quan trọng của hệ sinh thái đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Hồ, Copenhagen (Đan Mạch) là một trong những thành phố xanh nhất thế giới. Thành phố này có diện tích cây xanh chiếm 40% diện tích đất. Copenhagen cũng là một trong những thành phố đi đầu trong việc phát triển giao thông công cộng và các loại hình dịch vụ xanh. Để xây dựng Măng Đen trở thành “phố trong rừng”, chúng ta cần phải tiến hành một loạt các biện pháp cụ thể, kết hợp giữa quy hoạch đô thị bền vững và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Để làm được điều này cần bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên, đây là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đô thị "phố trong rừng". Đặc biệt, tăng cường giao thông công cộng là một phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu ô nhiễm và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện này thay vì phương tiện cá nhân.
“Các nguyên lý cơ bản của một đô thị phố trong rừng là diện tích cây xanh phải chiếm tỷ lệ lớn, từ 60% đến 80% diện tích đất đô thị. Cây xanh được bố trí hợp lý trong các khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ...”, kiến trúc sư chia sẻ.
Không những vậy, theo ông Nguyễn Hồ cần phát triển các loại hình dịch vụ xanh như năng lượng tái tạo, nước sạch, xử lý chất thải... Đặc biệt, đô thị “phố trong rừng” cần chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của đô thị.