Phóng sự - Ký sự

Măng Đen bao giờ bừng sáng?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thiên nhiên Măng Đen nguyên sơ, trong lành dưới màn sương mờ ảo hoà ánh mặt trời mỗi sớm mai. Trên cao nguyên đặc biệt này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp về để định hướng phát triển nơi đây thành “phố trong rừng”. Mọi thứ vẫn còn là “ngọc thô” nên rất cần những người thợ vừa có tâm, có tầm, tạo tác ra kiệt tác để đời.

Kỳ 1: Tham bát, bỏ mâm

Cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) đang được xem là nơi tuyệt vời để nghỉ dưỡng nhờ rừng nguyên sơ, những cánh đồng bình yên dọc bờ sông, khí hậu trong lành. Tuy nhiên, có một chút tài chính, cộng tính chiếm hữu, nhiều người đổ xô lên đây để kiếm lợi. Nhiều người còn dụ dỗ người dân bản địa bán đất giả rẻ mạt, rồi sang tay với giá trên trời.

Chị Y Dê tiếc nuối vì lỡ bán đất, giờ không còn nơi canh tác

Chị Y Dê tiếc nuối vì lỡ bán đất, giờ không còn nơi canh tác

Tiếc nuối

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Người dân Kon Plông không muốn ví Măng Đen như nơi nào cả. Bởi cao nguyên này còn như ngọc thô chưa qua chế tác với chất lượng không khí luôn mát mẻ trong lành nhờ rừng, và những thác nước, con sông mát lạnh, lúa chín trên ruộng bậc thang thơm ngào ngạt theo từng hương gió. Không gian ấy lý tưởng cho ai đang cần sự an yên trong tâm hồn, mọi xô bồ của cuộc sống sẽ bị lãng quên. Cũng vì thế mà giá đất nơi đây tăng chóng mặt. Chật vật với cuộc sống, người dân bản địa (chủ yếu là Xơ Đăng) bị tác động trước cám dỗ của đồng tiền. Trong phút giây vội vã, có người đã bán những mảnh đất của mình giá rẻ, để rồi giờ đây chỉ còn tiếc ngẩn ngơ.

Làng Kon Pring là điểm nhấn rất đẹp của thị trấn Măng Đen. Nơi đây chỉ cách trung tâm huyện vài cây số. Năm năm trước, làng được công nhận là làng du lịch cộng đồng. Người Xơ Đăng bản địa sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy. Không chỉ mang nét đẹp của công trình kiến trúc đặc trưng riêng như nhà rông, nhà sàn, các hộ dân còn biết ủ rượu cần, dẻo tay đan lát. Cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống trong làng thì “miễn bàn”. Chính lẽ đó nó tạo nên ma lực khó cưỡng với những kẻ tham lam.

Mưa phùn, trời lạnh, chị Y Dê chống cằm, thẫn thờ bên hiên nhà. Nhắc về chuyện bán đất, chị Dê như muốn khóc. Chị kể, tầm này năm trước có người nơi khác tới hỏi, muốn chị bán đất lúa có mặt tiền đường làng. Lô đất cả nghìn mét vuông mà chị Dê bán hơn trăm triệu đồng. Số tiền ấy chẳng đáng là bao, tiêu vài bữa hết sạch. Hôm rồi hay tin người ta bán lại mảnh đất đó giá gấp chục lần, chị Dê chẳng thiết ăn uống. “Hồi ấy người ta vào nói mình làm lúa mỗi năm được vài bao, bán đi mà lấy tiền tiêu, mình thấy cũng có lý nên bán luôn. Mình suốt ngày chỉ biết nhìn rừng núi làm sao biết được giá trị của đất. Thôi đừng nói về chuyện bán đất nữa”, chị Dê nói rồi ngoảnh mặt đi, rưng rưng...

Bà Y Lim dẫn phóng viên Tiền Phong tới những mảnh đất được bán với giá rẻ

Bà Y Lim dẫn phóng viên Tiền Phong tới những mảnh đất được bán với giá rẻ

Chị Dê và chồng có ba người con. Bán sạch đất, gia đình nghèo lại phải chuyển tới sống chung với mẹ vợ trong căn nhà sàn ven núi. Không nơi cày cấy, sớm tinh mơ, chị Dê cùng chồng bồng bế con cái vào rừng vừa tìm nấm, lan để bán, vừa né mặt dân làng. Người phụ nữ mới 33 tuổi lo lắng nhất cho việc ăn học của ba đứa con, bởi khoản tiền học phí chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng với chị Dê là cả vấn đề. Làm được đồng nào gia đình nghèo tiêu hết đồng ấy, giờ đây đi quanh làng cũng chẳng ai dám cho mượn tiền nữa.

Cũng như bao người dân khác nhưng từ khi thấy việc bà Y Lim giữ được đất nhiều người trong làng rất nể phục. Người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi bất kể ngồi đâu, nói chuyện với ai cũng khuyên bà con không được bán đất. Bà bộc bạch: “Cán bộ huyện xuống nói với mình là phải giữ đất mà làm làng du lịch cộng đồng. Bán đất lấy tiền rồi chia cho con cái, nó mua xe xịn, ăn chơi vài bữa là hết thôi”.

“Để trưng bày các đặc sản núi rừng Tây Nguyên và thêm chỗ lưu trú, gia đình chúng tôi vừa xây dựng thêm 2 ngôi nhà. Một nhà chứa đặc sản, nhà kia thêm 3-4 chỗ ngủ cho khách”.

Bà Y Lim

Bà kể, năm 2021 trong làng một hộ có lô đất hơn 1.000m2 sát với trường mầm non đã bán 1,1 tỷ đồng. Tưởng giá ấy là cao, ai ngờ qua tay nhiều người đầu cơ, lô đất này giờ đã hơn 6 tỷ đồng. Bà nhớ, thời gian này, ông A.Đ cũng có lô đất rất đẹp, chiều ngang 20 mét hướng ra đồng lúa. Không biết “cò đất” vào nói sao mà ông Đ đã bán với giá hơn 100 triệu đồng, giờ họ rao bán hơn 2,5 tỷ đồng. Bấm đầu ngón tay, bà Lim nhẩm đếm, làng có 78 hộ dân mà có gần 10 hộ bán đất rồi. Thương dân làng, cứ nhà nào có ý định bán đất bà Lim lại khuyên can, nói rằng phải giữ lại cho con cháu.

Giữ đất làm du lịch

Ông Đặng Quang Hà - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông chia sẻ, địa phương đang quyết tâm giữ đất để người dân làm kinh tế theo đề án phát triển du lịch cộng đồng. Bởi vậy, huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải sát dân, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc lấn, chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Hiện chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 3 hộ dân để xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức homestay đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc.

Cũng nhờ những chính sách ấy bà Y Lim là hộ đã mạnh dạn, xung phong làm du lịch. Người phụ nữ chất phác, mộc mạc này từng là diện nghèo nhất làng nhưng sau khi làm du lịch, giờ ai cũng tôn trọng và nể bà. Bà Y Lim nhớ nhất vào ngày huyện Kon Plông thông báo nhà mình được chọn để xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức homestay. Bà kể, thời điểm họp làng, khi nhận được thông báo rất bất ngờ. Gia đình nghèo chỉ trông chờ vào thửa ruộng gần nhà, mỗi năm trồng lúa thu về chả được bao nhiêu để chi phí nuôi 4 đứa con ăn học. “Từ khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện đưa đi tập huấn, tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc, miền Trung…tôi đã biết cách làm du lịch rồi”, bà Y Lim hào hứng.

Bà Y Lim trò chuyện với phóng viên Tiền Phong

Bà Y Lim trò chuyện với phóng viên Tiền Phong

Trung bình mỗi tháng gia đình bà đón từ 3 - 4 đoàn khách, mỗi đoàn trên 10 người, có đoàn hơn 100 khách. Cũng từ đó, bà đã thành lập Tổ hợp tác liên kết du lịch cộng đồng với 22 thành viên là chị em phụ nữ trong làng. Mỗi lần có đoàn khách tới bà sẽ tập trung các thành viên để đi hái các vật liệu trên rừng, rồi sau đó phân chia ra người nấu ăn, người phục vụ, người đánh cồng chiêng, múa xoang.

“Người ta tới hỏi miết, bảo ở đây đất của mình đẹp nhất làng, trả giá cao lắm nhưng mình không bán đâu. Mình giữ đất làm du lịch để con cháu, người làng noi gương mà giữ lại”, bà Lim chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm