Kinh tế

Nông nghiệp

Mang Yang kịp thời khống chế bệnh lở mồm long móng trên đàn bò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi phát hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn bò của một số hộ dân tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), cơ quan chuyên môn tiến hành khoanh vùng và triển khai giải pháp khống chế dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.

Đầu tháng 2-2024, 11 con bò của 8 hộ dân tại làng Đê Ktu và Đê Kôp-Doul (thị trấn Kon Dơng) xuất hiện các triệu chứng bỏ ăn, chân đi khập khiễng, kẽ móng chân và niêm mạc miệng có nốt loét, chảy nước dãi…

Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng UBND thị trấn Kon Dơng tiến hành kiểm tra và lấy 2 mẫu nước bọt của bò gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Kết quả, 1 mẫu dương tính với vi rút LMLM. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp cùng UBND thị trấn Kon Dơng tổ chức khoanh vùng khu vực có bò mắc bệnh; cấp 36 lít hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; cách ly bò mắc bệnh; hướng dẫn người dân cách nhận biết các triệu chứng và phương pháp điều trị.

Ông Nguyễn Văn Sỹ-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kon Dơng-cho biết: Trên địa bàn thị trấn có 1.450 con trâu, bò của 302 hộ dân, tập trung chủ yếu ở 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Đê Ktu, Đê Kôp-Doul và Đê Hrel. Khi có thông báo kết quả dương tính với vi rút bệnh LMLM, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện triển khai nhiều biện pháp phòng-chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân 2 làng nói trên ký cam kết không giết mổ, mua bán, vận chuyển bò bị bệnh ra khỏi vùng dịch, vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua vắc xin về tiêm phòng để bảo vệ đàn gia súc của gia đình. Đến nay, cơ quan chuyên môn đã chữa trị khỏi bệnh cho 6 con, còn lại 5 con đang hồi phục. Hiện cơ bản đã khống chế không để phát sinh thêm bệnh LMLM trên đàn bò tại địa phương.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hiện nay, thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh trên đàn trâu, bò phát triển. Đặc biệt, bệnh LMLM không có thuốc đặc trị. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn vật nuôi năm 2023 đạt thấp so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi chưa chủ động mua vắc xin về tiêm phòng. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc rất lớn nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Ông Brui (làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng) bổ sung thức ăn cho đàn bò để tăng sức đề kháng. Ảnh: N.D

Ông Brui (làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng) bổ sung thức ăn cho đàn bò để tăng sức đề kháng. Ảnh: N.D

Ông Brui (làng Đê Ktu) chia sẻ: “Tôi nuôi 3 con bò sinh sản. Vừa rồi, làng có bò mắc bệnh LMLM. Ngay sau đó, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra, hỗ trợ hóa chất cho bà con phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột nhằm hạn chế bệnh”.

Ông Luh (cùng làng) thì cho hay: “Hàng ngày, tôi đều dọn vệ sinh khu vực chuồng trại, kiểm tra các triệu chứng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và mua rơm về dự trữ để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên, giúp đàn bò phát triển ổn định”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Mạnh Tuấn-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Ngay khi có thông tin về bệnh LMLM xuất hiện trên đàn bò tại thị trấn Kon Dơng, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND thị trấn khoanh vùng, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại nhằm không để lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Các xã, thị trấn cũng cần tăng cường giám sát và báo cáo kịp thời dịch bệnh phát sinh để khoanh vùng nhằm thực hiện biện pháp phòng-chống dịch bệnh theo quy định.

“Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin LMLM, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò của các hộ nghèo tại 12 xã, thị trấn và tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò của hộ cận nghèo ở 4 xã: Ayun, Kon Chiêng, Đê Ar và Lơ Pang. Trong tháng 3-2024, chúng tôi sẽ triển khai tiêm 2.950 liều vắc xin LMLM type O và A nhằm phòng ngừa bệnh trên đàn gia súc”-ông Tuấn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm