Xã hội

Mang Yang phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH, góp phần quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội ở địa phương.
Hàng năm, các ngành liên quan của huyện, ban chỉ đạo giảm nghèo các xã, thị trấn đã tổ chức khảo sát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để Ngân hàng CSXH có cơ sở cho vay. Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và gia đình chính sách để đề xuất bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu nguồn vốn kịp thời, giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng. Ủy ban nhân dân huyện kiện toàn Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện, phân công Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia làm thành viên Ban Đại diện, nâng cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở trong hoạt động tín dụng chính sách.
Ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang-cho biết: “Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, đơn vị đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động của kênh tín dụng chính sách. Dư nợ các chương trình tín dụng đến cuối quý I năm nay đạt hơn 302 tỷ đồng. Riêng dư nợ 3 chương trình trọng điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt gần 166 tỷ đồng, chiếm 54,73% tổng dư nợ”.
Điểm giao dịch của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang tại thị trấn Kon Dơng. Ảnh: Thanh Nhật
Điểm giao dịch của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang tại thị trấn Kon Dơng. Ảnh: Thanh Nhật
Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới tại các xã Đak Djrăng, Đak Yă, Ayun, Đak Ta Ley giai đoạn 2016-2020 đạt gần 150 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 24,4 tỷ đồng/xã. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hỗ trợ nguồn lực để địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 4 xã và 7 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo bộ tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 19,91%.
5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác giải ngân cho 6.860 lượt khách hàng vay hơn 199 tỷ đồng. Dư nợ nhận ủy thác của Hội tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình. Đến hết năm 2021, dư nợ đạt 114,46 tỷ đồng (tăng 58% so với năm 2016), chiếm tỷ trọng 38% tổng dư nợ, tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Cuối quý I năm nay, dư nợ tín dụng chính sách do Hội Liên hiệp phụ nữ quản lý đạt hơn 116 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2021. Ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân nhận xét: “Mặc dù quản lý dư nợ lớn nhất trong số các đơn vị nhận ủy thác, nhưng chất lượng tín dụng qua Hội Liên hiệp phụ nữ luôn được đánh giá cao. Hiện nay, gần 3.300 hộ gia đình hội viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi qua 71 tổ tiết kiệm và vay vốn giúp phát triển kinh tế, 100% số tổ được đánh giá xếp loại khá và tốt”.
Các đơn vị tiêu biểu về công tác phối hợp triển khai vốn tín dụng chính sách như xã Hà Ra, Đak Djrăng, Đak Ta Ley, thị trấn Kon Dơng. Ông Trần Thanh Tuấn-Chủ tịch UBND xã Hà Ra-cho biết: “Hàng năm, UBND xã tổ chức rà soát, bình xét kịp thời các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo làm cơ sở để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, giám sát và kiểm tra việc vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Ủy ban nhân dân xã và các đoàn thể đã chủ động hướng dẫn hộ vay phương thức làm ăn, phát huy hiệu quả nguồn vốn”.
Hội LHPN xã Lơ Pang tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hội viên DSCN1028. Ảnh: Thanh Nhật
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hội viên. Ảnh: Thanh Nhật
Từ kênh vốn này, nhiều hộ khó khăn đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Tiêu biểu tại làng Đê Gơl (xã Đak Djrăng) có hộ ông Glip. Năm 2016, ông Glip được tiếp cận 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo để trồng cà phê. Sau đó, ông tiếp tục xin vay nguồn vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để trồng mới 500 cây cà phê. “Hiện vườn cà phê của gia đình có 1.000 cây, cho thu nhập ổn định. Gia đình đã xây nhà ở khang trang”-ông Glip bộc bạch. Còn bà Nguyễn Thị Lai (thôn Châu Thành, xã Đak Yă) thì cho hay: “5 năm trước, gia đình tôi là hộ nghèo. Tôi được xã quan tâm tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Sau đó, tôi còn được vay vốn giải quyết việc làm, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi heo. Nhờ vậy, thu nhập tăng lên và gia đình đã thoát nghèo”.
Ngoài nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cấp trên phân bổ, giai đoạn 2015-2021, UBND huyện Mang Yang đã bố trí ngân sách địa phương hơn 4 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để phục vụ các chương trình tín dụng chính sách, riêng năm 2022 dự kiến là 1 tỷ đồng.
Đề cập một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, bà Hoàng Thị Lan Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Ban Đại diện tiếp tục tham mưu giúp Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền các nội dung chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đặc biệt, huyện tập trung vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm giúp 100% hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm