Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Mảnh vụn từ vật thể sinh ra Trái Đất rơi xuống Tây Bắc Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Các nhà khoa học đã tìm thấy một báu vật vô giá của hệ Mặt Trời sơ khai, ẩn mình trong một thiên thạch cổ rơi xuống Trái Đất.

Theo Science Alert, phân tích của một nhóm nghiên cứu quốc tế cho thấy thiên thạch NWA 14250 - được tìm thấy ở Tây Bắc châu Phi năm 2018 - nắm giữ bí mật vô song về thời "sơ sinh" của Trái Đất.

Bởi lẽ, bên trong nó chứa những mảnh vật liệu từ đĩa tiền hành tinh 4,5 tỉ năm trước của hệ Mặt Trời.

Hình ảnh từ kính hiển vi điện tử cho thấy các cụm vật liệu từ đĩa tiền hành tinh trộn lẫn vào các vật liệu khác của sao chổi - Ảnh: SCIENCE ADVANCES

Hình ảnh từ kính hiển vi điện tử cho thấy các cụm vật liệu từ đĩa tiền hành tinh trộn lẫn vào các vật liệu khác của sao chổi - Ảnh: SCIENCE ADVANCES

Đĩa tiền hành tinh là một vật thể khổng lồ dạng chiếc đĩa, bao vây lấy ngôi sao trẻ tuổi. Bên trong đĩa đó là khí, bụi, các mảnh vụn, dần kết tụ, sinh ra các tiền hành tinh và các vật thể "con" khác.

Các vật thể đầu tiên kết tụ trong đĩa trải qua nhiều lần va chạm, vỡ vụn, tái hợp, rồi cuối cùng trở thành những hành tinh, hành tinh lùn và tất cả những thứ khác cùng tạo nên một hệ sao hoàn chỉnh.

Vì vậy, có thể nói đĩa tiền hành tinh chính là nơi đã hoài thai ra Trái Đất.

Các đồng vị bên trong các cụm vật liệu mang lại dấu vết cổ xưa của sự hình thành các tiền hành tinh 4,5 tỉ năm trước - Ảnh: SCIENCE ADVANCES.

Các đồng vị bên trong các cụm vật liệu mang lại dấu vết cổ xưa của sự hình thành các tiền hành tinh 4,5 tỉ năm trước - Ảnh: SCIENCE ADVANCES.

Nhóm nghiên cứu do nhà hóa học vũ trụ Elishevah van Kooten thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) dẫn đầu đã sử dụng kính hiển vi điện tử quét và phân tích quang phổ của NWA 14250.

Điều này giúp xác định các đồng vị của các khoáng chất khác nhau được tìm thấy trong các cụm vật chất bên trong thiên thạch.

Họ nhận thấy các khoáng chất trong một số cụm rất có thể có nguồn gốc từ sao chổi. Nhưng còn hơn thế nữa. Vật chất từ một số cụm rất quen thuộc - chúng giống với những gì được tìm thấy trong các thiên thạch khác bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương.

Chúng cũng tương đồng các mẫu lấy từ tiểu hành tinh Ryugu, một vật thể được coi như "hóa thạch" của buổi bình minh hệ Mặt Trời.

Phát hiện này cho thấy rằng vật liệu nguyên thủy không chỉ được bảo quản tương đối phổ biến trong hệ Mặt Trời, chúng còn là bằng chứng cho thấy thành phần của đĩa tiền hành tinh tương đối đồng nhất trong cả quá trình hệ sao của chúng ta hình thành.

Dấu hiệu đồng vị mà ngày nay thuộc về khu vực hình thành sao chổi ở rìa hệ Mặt Trời tồn tại khắp nơi cũng phản ánh đĩa tiền hành tinh này sở hữu một khối xây dựng hành tinh quan trọng ở khu vực xa xôi, gần biên giới của hệ.

Khu vực hình thành sao chổi ám chỉ Đám mây Oort, một vành đai đầy sao chổi và tiểu hành tinh lạnh giá bao bọc lấy hệ sao của chúng ta.

Trước đó, từng có các giả thuyết rằng các tiền hành tinh và hành tinh đầu tiên của hệ - bao gồm cả Sao Mộc, hành tinh hình thành đầu tiên - đã ra đời ở nơi rất xa Mặt Trời, sau đó dần di chuyển vào phía trong.

“Điều này mang đến cơ hội xác định dấu vết tổng hợp hạt nhân của khu vực hình thành sao chổi và do đó, làm sáng tỏ lịch sử bồi tụ của đĩa tiền hành tinh Mặt Trời” - nhóm tác giả kết luận trong bài công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.

Có thể bạn quan tâm