Kinh tế

Doanh nghiệp

Mất hơn 4.000 tỷ, Bầu Đức mạnh tay đặt cược triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) chi triệu USD đặt cược vào triển vọng tầm cỡ khu vực của HAGL bất chấp doanh nghiệp này vừa bốc hơi vài ngàn tỷ trong một thời gian ngắn và đang gặp nhiều khó khăn.

 



Thông tin từ Sở GDCK TP.HCM cho biết, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) mua thành công gần 4,8 triệu cổ phiếu HAG trong khoảng thời gian 8/5-6/6.

Với mức giá ở mức thấp kỷ lục, khoảng 4.400-5.000 đồng/cp, Bầu Đức đã phải chỉ ra 23 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 triệu USD.

Trước đó, Bầu Đức đã đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu ở vào khoảng thời gian mà cổ phiếu HAGL giảm giá liên tục trong một thời gian dài, bất chấp kết quả kinh doanh được đánh giá vẫn khá ấn tượng. Giá trị sổ sách của HAG ở mức cao, khoảng hơn 14.000 đồng/cp. Chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) đứng ở mức hấp dẫn: hơn 5 lần.

Sau giao dịch, ông Đoàn Nguyên Đức nâng lượng sở hữu cổ phiếu HAG từ hơn 324,76 triệu cổ phiếu lên 329,56 triệu cổ phiếu tương ứng 35,53% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, nguyên nhân chưa mua đủ số cổ phiếu đăng ký do chưa thu xếp kịp tài chính. Ngay sau đó, Bầu Đức đã đăng ký mua thêm hơn 15,2 triệu cổ phiếu còn lại cho đủ số 20 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 11/6 đến 9/7/2018.

Bầu Đức mua cổ phiếu ở vào thời điểm giá HAG vẫn ở sát đáy lịch sử 4.420 đồng ghi nhận vào hôm 28/5 vừa qua.

Trong vài năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã liên tục tái cơ cấu nợ của Tập đoàn HAGL bằng việc thu xếp nợ với các ngân hàng. HAGL cũng đã chuyển chiến lược từ nuôi bò sang chồng chuối, ớt để có nguồn thu nhanh, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp.

Trước đó, Bầu Đức đã bán mảng bất động sản, thủy điện, mía đường.

Cổ phiếu HAG gần đây tiếp tục giảm và xác lập đáy mới là do bị đưa vào diện cảnh báo từ 7/5/2018 do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017. Cụ thể, trên báo cáo hợp nhất của HAG, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi của tổng các khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền 4.023 tỷ đồng.

Lý do được nêu là do các bên liên quan đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho doanh nghiệp.

Hồi cuối tháng 5-2018, một doanh nghiệp của Bầu Đức là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) - công ty con của HAGL đã công bố kế hoạch huy động hơn 2.200 tỷ đồng để trả nợ và đầu tư thêm cho dự án trồng ớt, chuối.

Doanh nghiệp của Bầu Đức bỏ đàn bò ngàn tỷ, chỉ giữ lại một phần để lấy phân bón và chuyển sang trồng cây trái trong bối cảnh doanh nghiệp này đang mạnh tái cơ cấu tình hình tái chính, xử lý các khoản nợ từ trước đó với sự góp mặt của nguyên TGĐ ACB Lý Xuân Hải, một người mà Bầu Đức đã chiêu mộ thành công sau khi doanh nhân nổi tiếng một thời này mãn hạn tù.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và lên vùng 1.030 điểm sau 6 phiên hồi phục liên tiếp.

Sự ổn định của tỷ giá cùng với triển vọng kinh tế khá tươi sáng đã giúp dòng tiền vào chứng khoán không bị tụt giảm nhiều. Khối ngoại đang quay trở lại mua vào nhiều cổ phiếu lớn. Các cổ phiếu như Vinamilk, VietJet, Hòa Phát, Vĩnh Hoàn, HDBank… được khối ngoại mua nhiều và đều tăng điểm.

Cổ phiếu Techcombank sau một thời gian tụt giảm sau chào sàn đã tăng mạnh trở lại.

Một số CTCK lo ngại áp lực điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện bởi thanh khoản vẫn khá yếu. Hơn nữa, sau 6 phiên hồi phục liên tục, khả năng chốt lời có thể gây áp lực giảm giá lên toàn thị trường chung.

BVSC cho rằng, sau chuỗi phiên hồi phục mạnh, áp lực chốt lời nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các phiên sắp tới và thử thách xu hướng tăng của thị trường chung. Qua đó, nhiều khả năng thị trường sẽ trải qua nhịp biến động lình xình, phân hóa.

Còn theo SHS, thanh khoản vẫn duy trì ở mức trung bình nhưng hệ số tăng/giảm đang kém dần đi và mẫu hình kỹ thuật của ngày cho thấy đang có sự giằng co mạnh trong tương quan cung-cầu tại vùng giá này.

Áp lực chốt lời gia tăng dần sẽ khiến VN-Index tiếp tục giằng co và rung lắc do đã tiến vào vùng nhạy cảm trong khoảng 1.020-1.070 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 7-6, VN-index tăng 2,19 điểm lên 1.036,69 điểm; HNX-Index giảm 1,43 điểm xuống 118,99 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 53,78 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm